Chạy trường: Đâu phải chỉ lỗi ở ngành giáo dục

Chuẩn bị khai giảng năm học mới, hiệu trưởng các trường trọng điểm như rơi vào “tâm bão”. Điện thoại, thư tay và lệnh miệng như “biển động”. Áp lực đó phát ra từ phía các phụ huynh.
Chuẩn bị khai giảng năm học mới, hiệu trưởng các trường trọng điểm như rơi vào “tâm bão”. Điện thoại, thư tay và lệnh miệng như “biển động”. Áp lực đó phát ra từ phía các phụ huynh.

Chưa bao giờ “Chất lượng giáo dục“ lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội như hiện nay. Và để có chất lượng giáo dục cần nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Có thể thấy, việc trường chuyên, lớp chọn không thể nở rộ nếu không chịu áp lực từ phía phụ huynh và lãnh đạo (đồng thời cũng là phụ huynh). Với nhiều người, việc học của con cái là món đồ trang sức do bệnh sĩ. Con người ta học trường chuyên thì con mình phải học trường điểm. Con người học tiếng Anh thì con ta học tiếng Pháp… bất chấp khả năng và sở thích của các em.

Chuẩn bị khai giảng năm học mới, hiệu trưởng các trường trọng điểm như rơi vào “tâm bão”. Điện thoại, thư tay và lệnh miệng như “biển động”. Mẫu giáo, tiểu học cùng lắm là trái tuyến (hiện một số nơi cũng đã thi tuyển) nhưng từ THCS trở lên thì bắt đầu lắm chuyện. Thiếu 0.5 điểm: chạy; thiếu 4 - 5 điểm: cũng chạy! Hậu quả là Hiệu trưởng coi thường lãnh đạo vì lãnh đạo đã buộc họ nhận các em thiếu điểm, phụ huynh đánh mất mình trước con cái, trước thầy cô. Giáo viên chán nản, học sinh thì ỷ lại, các em khác thì mất niềm tin (các em đều biết điểm của nhau).

Chương trình quá tải nhưng phụ huynh còn chất thêm gánh nặng với những đòi hỏi về thành tích của con em mình để còn tự hào với bạn bè! Có phụ huynh còn đặt chỉ tiêu: điểm 10 thì thưởng tiền, từ điểm 7 trở xuống phạt 1 roi, cứ thế lũy tiến. Xuống hạng cũng bị đòn. Trong điều kiện đó, các em không bị khủng hoảng mới là chuyện lạ! Bị điểm kém, xuống hạng, thi rớt có em rơi vào trầm uất, bỏ nhà đi lang thang, thậm chí tự tử. Trong khi đó ở các buổi họp đầu năm, nhiều phụ huynh lại khẩn khoản đề nghị giáo viên dạy thêm để con mình, giỏi bằng con người.

Thiết nghĩ, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, đặc biệt là giáo dục đạo đức. Từ việc tiết kiệm điện, nước trong nhà đến chuyện tôn trọng luật giao thông. Từ việc sống giản dị, hòa đồng đến chuyện chia sẻ và giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn.

Làm gì cũng phải lượng sức mình. Việc học của con cái cũng vậy. Không vào đại học thì học nghề hoặc vừa làm vừa học. Không đi được đường thẳng thì đi đường vòng, vẫn có thể tới đích.

Viết những điều trên, tôi không có ý biện minh cho ngành giáo dục. Chỉ muốn các bậc phụ huynh cùng nhìn lại mình, bắt đầu từ gia đình và tiếp sức với ngành giáo dục cùng nâng cao chất lượng đào tạo học sinh.

Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm