Chế biến hải sản xuất khẩu ở Đà Nẵng: Thiếu nguyên liệu

Không phải bây giờ mà nhiều năm nay, tình trạng thiếu nguyên liệu đã diễn ra khá trầm trọng tại các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu ở Đà Nẵng. Mặc dù doanh nghiệp nào cũng mở rộng mạng lưới thu mua ra nhiều địa phương trên phạm vi cả nước và nhập khẩu nhưng chưa bao giờ nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Do thiếu nguyên liệu nên việc duy trì sản xuất ở các cơ sở chế biến hải sản gặp nhiều khó khăn.

Không phải bây giờ mà nhiều năm nay, tình trạng thiếu nguyên liệu đã diễn ra khá trầm trọng tại các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu ở Đà Nẵng. Mặc dù doanh nghiệp nào cũng mở rộng mạng lưới thu mua ra nhiều địa phương trên phạm vi cả nước và nhập khẩu nhưng chưa bao giờ nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Tình trạng “đói nguyên liệu” càng gay gắt hơn khi nhà máy chế biến mọc lên ngày càng nhiều, trong khi lượng hải sản khai thác ngày càng giảm. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2010, ngư dân Đà Nẵng đưa từ biển về 22 nghìn tấn hải sản các loại, trong đó chỉ có khoảng 35-40% đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến, chưa đủ cho vài nhà máy hoạt động. Đó là chưa nói, phần lớn hải sản phải đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Và như vậy, tình trạng nhà máy quy mô lớn, trang thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến nhưng thiếu nguyên liệu, sản xuất cầm chừng, nguy cơ phá sản khó

tránh khỏi.

Thời điểm này ở Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, không còn cảnh công nhân và xe chở hàng tấp nập vào ra, thay vào đó là không khí ảm đạm và vắng vẻ. Có chăng, nhà máy của Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước và Nhà máy chế biến thủy sản Thọ Quang, mặt hàng tôm đông lạnh là chủ lực, còn khá nhiều công nhân vào xưởng, các nhà máy khác chỉ dăm bảy chục người là nhiều.

Công ty CP Procimex Việt Nam, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản xuất khẩu hàng chục năm nay, kinh nghiệm có dư, bạn hàng tin cậy ở khắp nơi, cơ ngơi nhà xưởng quy mô lớn, dây chuyền chế biến đồng bộ, hiện đại, công suất hàng chục nghìn tấn sản phẩm/năm. Thế nhưng, hiện tại không có nguyên liệu, công nhân nghỉ việc, các phân xưởng đóng cửa. Ông Nguyễn Điểm, Chủ tịch HĐQT công ty buồn rầu cho biết: Phát huy tối đa công suất máy móc thiết bị, mỗi ngày doanh nghiệp cần tới 100 tấn nguyên liệu, bao gồm các loại cá, trong đó cá ngừ là chủ yếu. Thế mà hiện tại cố gắng lắm mỗi ngày chỉ thu mua được khoảng 7 tấn.

Mặt hàng này phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực đánh bắt của ngư dân. Có thể nói, chưa bao giờ nguyên liệu thiếu trầm trọng như thời gian này. Không có nguyên liệu, công nhân lành nghề cũng phải nghỉ tìm việc khác. Đây cũng là khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Công nhân nghỉ hết, khi mua được nguyên liệu không có người chế biến. Hiện tại, hầu như đơn vị nào cũng lâm vào tình trạng thua lỗ. Đối với công ty, từ năm 2007 đến 2009, năm nào doanh thu cũng đạt trên dưới 100 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay chỉ hơn 30 tỷ đồng. Để tồn tại, không có cách nào tốt hơn là mở thêm lĩnh vực khác. Hiện công ty phối hợp với Trường Đại học Phương Đông đào tạo nhân lực xuất khẩu sang Nhật Bản.

    

Công ty TNHH Đại Phúc đưa cơ ngơi nhà xưởng với vốn đầu tư 18 tỷ đồng vào hoạt động chưa lâu. Nhiều tháng nay, cơ ngơi khá đồng bộ và hiện đại này đành chịu lãng phí khi nguyên liệu đưa vào chế biến rất ít. Trong tháng 6 vừa qua, công ty chỉ thu mua được 57 tấn, đủ sản xuất trong 10 ngày. Có ngày công nhân làm việc vài ba tiếng đồng hồ hết nguyên liệu phải nghỉ. Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng, Công ty TNHH Bắc Đẩu, Công ty TNHH Hải Thanh, Công ty TNHH Thái An... đều lâm vào tình cảnh tương tự. Lãnh đạo công ty nào cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mua nguyên liệu, nhưng họ đều trở về với 2 bàn tay không. Thu mua ở Cảng cá Thọ Quang chẳng đáng là bao khi mỗi ngày chỉ vài chục tàu cập bến, đa số làm nghề giã đôi cao tốc, hải sản đưa về nhiều nhưng không thể đưa vào chế biến.

Nguyên nhân thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu ai cũng biết. Năng lực đánh bắt của ngư dân ngày càng giảm, lượng hải sản đưa từ biển về vừa ít vừa chất lượng thấp, diện tích nuôi trồng thủy sản tại các địa phương bị thu hẹp dần...

Trước thực trạng nguyên liệu thiếu gay gắt như vậy, nhưng ở Đà Nẵng các nhà máy chế biến hải sản cứ đua nhau mọc lên. Ở Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, Công ty TNHH Minh Nghĩa vừa hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, đang tuyển dụng công nhân; Công ty CP đồ hộp Hạ Long đang đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cá hộp, công suất 10-14 triệu hộp/năm, sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay... Liệu rồi bao nhiêu nhà máy nữa sẽ tiếp tục ra đời. Chắc chắn các nhà máy này sẽ cũng lâm vào tình trạng lãng phí vì không có nguyên liệu như các nhà máy đã đưa vào hoạt động mấy năm nay.

Có nghịch lý đã và đang diễn ra, đó là trong khi các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu đua nhau mọc lên để rồi không phát huy hết công suất thì nhiều cơ sở chế biến ruốc, nước mắm, nguyên liệu khá dồi dào lại không có mặt bằng để xây dựng nơi sản xuất. Nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này phải dẹp tiệm hoặc chuyển đi địa phương khác chỉ vì không có mặt bằng xây dựng sau khi giải tỏa. Thiết nghĩ, thành phố và cơ quan chuyên môn cần xem xét thấu đáo thực trạng về nguyên liệu cho chế biến hải sản hiện nay, từ đó có giải pháp thích hợp kích cầu hoạt động khai thác hải sản biển, đồng thời không phát triển thêm nhà máy chế biến hải sản mà nên dành quỹ đất cho các cơ sở chế biến ruốc, nước mắm, bột cá...

Bài và ảnh:

Nguyễn Cầu  

Đọc thêm