Chế độ bảo hiểm xã hội đối với cựu chiến binh

(PLO) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh (CCB) theo quy định tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh. 
Cựu chiến binh huyện Chư Prong (Gia Lai) trao đổi kinh nghiệm sản xuất. 
(Ảnh minh họa)
Cựu chiến binh huyện Chư Prong (Gia Lai) trao đổi kinh nghiệm sản xuất. (Ảnh minh họa)

Đóng bảo hiểm y tế như thế nào?

Theo dự thảo, CCB quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trường hợp CCB đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau (nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng hoặc nhóm do ngân sách nhà nước đóng) thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật BHYT.

Đối tượng CCB không được ngân sách nhà nước đóng BHYT đang tham gia theo đối tượng khác, có mức hưởng BHYT thấp hơn mức hưởng BHYT của CCB thì được đổi mã quyền lợi để hưởng quyền lợi BHYT của CCB theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 của Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Ví dụ, ông Trần Văn Thành nhập ngũ tháng 2/1980, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313 trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) năm 1984 – 1985, ngày 1/10/1999 chuyển ngành, là Phó Vụ trưởng thuộc Bộ Tài chính. Ông Thành đang tham gia BHYT theo nhóm người lao động, đồng thời cũng thuộc đối tượng CCB. Vì vậy, ông Thành đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên là “nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng”, nhưng ông Thành được hưởng quyền lợi theo đối tượng CCB, được đổi thẻ BHYT từ mã quyền lợi 4 (HC4) sang mã quyền lợi 2 (HC2) của CCB.

Đề xuất lương, phụ cấp với CCB làm công tác chuyên trách

Về tiền lương, phụ cấp và chế độ BHXH đối với CCB trong chỉ tiêu biên chế, làm công tác chuyện trách Hội CCB các cấp từ cấp TW đến cấp huyện, dự thảo đề xuất, đối với CCB đã nghỉ hưu (đang hưởng lương hưu hàng tháng) được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng làm công tác chuyên trách Hội CCB các cấp từ cấp TW đến cấp huyện, ngoài lương hưu, hàng tháng nhóm đối tượng này được hưởng lương, phụ cấp theo quy định của Đảng tại Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 1/7/2011 của Ban Tổ chức TW, được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù như các tổ chức chính trị - xã hội khác cùng cấp theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW. 

Đối với CCB phục viên, xuất ngũ không hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng được tuyển dụng làm công tác chuyên trách công tác Hội CCB các cấp từ TW đến cấp huyện, được hưởng lương theo ngạch, bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo và vị trí việc làm đang đảm nhận, được nâng bậc, ngạch lương và được hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 202/2004/NĐ-CP. Đồng thời, nhóm đối tượng này được hưởng các chế độ phục cấp đặc thù như các tổ chức chính trị - xã hội khác cùng cấp theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, được cộng nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian có đóng BHXH bắt buộc sau này để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Chế độ BHXH đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội CCB cấp xã

Chủ tịch CCB cấp xã đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, được hưởng lương và nâng bậc lương theo quy định hiện hành của Chính phủ tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013, được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP.

Chủ tịch CCB cấp xã không hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, được hưởng lương theo ngạch, bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo, được nâng bậc, ngạch lương và được hưởng phụ cấp, trợ cấp theo quy định hiện hành của Chính phủ tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013. Nhóm đối tượng này còn được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù như các tổ chức chính trị - xã hội khác cùng cấp theo quy định hiện hành của Chính phủ tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP, được cộng nối thời gian công tác để tính hưởng chế độ BHXH quy định của pháp luật về BHXH tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Phó Chủ tịch Hội CCB cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Mức phụ cấp cụ thể do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Đồng thời, được cộng nối dài thời gian công tác để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Trợ cấp khi thôi công tác Hội CCB

CCB đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, khi thôi làm công tác Hội được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội, gồm các đối tượng sau đây: CCB giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) hoặc được tuyển dụng làm công tác chuyên trách công tác Hội CCB các cấp từ TW đến huyện; CCB là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội CCB cấp xã.

Cứ mỗi năm công tác hội, CCB giữ chức danh lãnh đạo Hội CCB các cấp từ TW đến huyện, Chủ tịch Hội CCB cấp xã được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng (gồm lương theo chức danh, phụ cấp chức vụ…). Phó Chủ tịch Hội CCB cấp xã được hưởng mỗi năm công tác là 1/2  tháng phụ cấp hiện hưởng.

Số năm công tác để tính trợ cấp một lần là tổng thời gian tham gia công tác Hội liên tục kể từ khi được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng đến khi có quyết định thôi công tác Hội của cấp có thẩm quyền.

Đọc thêm