Về vấn đề này, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La tư vấn trả lời như sau:
1. Độ tuổi quy định là người lao động cao tuổi
Tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định như sau:
“Người cao tuổi
Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.”
Theo đó, người cao tuổi được ghi nhận trong Luật Người cao tuổi 2009 là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
“Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
…”
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 hướng dẫn bởi Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định:
“Tuổi nghỉ hưu
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
…”
Theo đó, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ.
Như vậy, hiện nay là năm 2024, độ tuổi được xem là lao động cao tuổi là:
- Đủ 61 đối với lao động nam.
- Đủ 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Người cao tuổi ở Sơn La được tiếp cận với trợ giúp pháp lý. |
2. Chế độ làm việc đối với Người lao động cao tuổi
Tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
“Người lao động cao tuổi
...
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.”
Và theo Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.”
Như vậy, chế độ làm việc của người lao động cao tuổi được quy định như sau:
- Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian và làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực;
- Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn;
- Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động;
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Người cao tuổi được tiếp cận các quy định của pháp luật. |
3. Các quyền của Người lao động cao tuổi
Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
“Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
...”
Theo đó, người lao động cao tuổi có các quyền được quy định như trên.
Ngoài ra tại khoản 2, khoản 3 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định về quyền của người lao động cao tuổi như sau:
- Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
- Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Trên đây là nội dung truyền thông của Trung tâm, nếu còn vướng mắc về nội dung gì, Bạn vui lòng liên hệ theo địa chỉ: TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH SƠN LA, Số 04, Ngõ 02A, Tổ 08, Phường Chiềng Lề, Thành Phố Sơn La, tỉnh Sơn La hoặc số điện thoại đường dây nóng: (0212) 3855 959 để được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trân trọng cảm ơn!