Hành vi dùng dao đe dọa cướp tài sản người đi đường bị xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Hoàng Minh Tiến (Hà Nội) hỏi: Vừa qua, tại huyện Gia Lâm cháu họ tôi bị 3 đối tượng đi xe máy chặn xe dùng dao uy hiếp cướp 1 chiếc điện thoại iPhone 11. Sau đó 3 đối tượng này đã bị công an bắt giữ. Vậy xin hỏi, hành vi dùng dao đe dọa người khác để cưỡng đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.
Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định, phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương.

Theo đó, cá nhân có hành vi dùng dao đe dọa người khác đồng nghĩa với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương nên sẽ bị phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức vi phạm cùng hành vi trên thì sẽ bị phạt gấp đôi căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định cụ thể về tội này như sau: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Từ quy định nêu trên hành vi dùng dao đe dọa người khác vì mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ thuộc trường hợp bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo các khung hình phạt khác nhau, trường hợp phạm tội có tổ chức sẽ thuộc quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.

Đọc thêm