Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết: Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cá thể, không có tư cách pháp nhân và chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về việc sử dụng tài khoản ngân hàng trong kinh doanh. Cụ thể, theo Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán: Tài khoản thanh toán của cá nhân là tài khoản do chính cá nhân đó đứng tên và chỉ cá nhân đó có quyền sử dụng.
Điều này có nghĩa là chủ hộ kinh doanh phải sử dụng tài khoản đứng tên mình để thực hiện các giao dịch kinh doanh.
Cùng với đó, theo Điều 7, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động tài chính và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch.
Theo các quy định trên, chủ hộ kinh doanh không được tự ý sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác để giao dịch. Nếu vi phạm, có thể gặp rủi ro pháp lý và bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định về việc ủy quyền sử dụng tài khoản. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-NHNN có quy định:
“1. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền và quy định sau:
a) Đối với tài khoản thanh toán của cá nhân: Chủ tài khoản thanh toán gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết đối với cá nhân, pháp nhân là người được ủy quyền. Tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết đối với người được ủy quyền thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Thông tư này;”
Và cũng tại điểm 2 Điều này cũng quy định: “2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải áp dụng biện pháp xác minh thông tin nhận biết đối với người được ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này”.
Như vậy, khi bạn nhờ tài khoản thanh toán của bạn bè hoặc người thân để thực hiện các giao dịch kinh doanh thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền và phải thông báo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tính là hợp lệ để thực hiện giao dịch.
Về rủi ro pháp lý khi sử dụng tài khoản người khác để giao dịch, nếu hộ kinh doanh sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền từ khách hàng hoặc thanh toán giao dịch, có thể gặp các rủi ro pháp lý sau:
Vi phạm quy định về sử dụng tài khoản ngân hàng: Theo Thông tư 23/2020/TT-NHNN, tài khoản ngân hàng là tài sản riêng của cá nhân và chỉ cá nhân đó có quyền sử dụng. Nếu chủ hộ kinh doanh sử dụng tài khoản của người khác, ngân hàng có quyền chặn giao dịch hoặc từ chối xử lý.
Nguy cơ bị nghi ngờ liên quan đến rửa tiền: Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định rằng giao dịch qua tài khoản ngân hàng phải đảm bảo danh tính minh bạch. Nếu tiền từ hoạt động kinh doanh chuyển vào tài khoản của một cá nhân không liên quan đến hộ kinh doanh, cơ quan chức năng có thể nghi ngờ về hành vi rửa tiền hoặc trốn thuế.
Rủi ro tranh chấp tài chính: Nếu chủ hộ kinh doanh sử dụng tài khoản của người khác, trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc tài khoản bị phong tỏa, người sở hữu tài khoản có thể không chịu trách nhiệm đối với số tiền đó, gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề tài chính.
Vi phạm quy định về kê khai thuế: Theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, các giao dịch tài chính liên quan đến hộ kinh doanh phải được ghi nhận trên hệ thống kê khai thuế. Nếu sử dụng tài khoản của người khác, chủ hộ kinh doanh có thể bị xử phạt do kê khai không trung thực hoặc trốn thuế.
Tiếp đó, cách xử lý đúng theo quy định pháp luật: Mở tài khoản ngân hàng riêng cho hộ kinh doanh. Hiện nay, ngân hàng cho phép hộ kinh doanh mở tài khoản đứng tên chủ hộ kinh doanh, giúp tách bạch tài chính cá nhân và tài chính kinh doanh. Bạn có thể đến ngân hàng để mở tài khoản chuyên dụng cho hộ kinh doanh.
Sử dụng dịch vụ thanh toán hợp pháp, nếu tài khoản cá nhân gặp trục trặc, bạn có thể sử dụng các phương thức thanh toán hợp pháp như: Sử dụng ví điện tử liên kết với tài khoản hộ kinh doanh. Sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng với các tài khoản do chính bạn đứng tên.
Thực hiện giao dịch qua tài khoản chính chủ: Tất cả các giao dịch liên quan đến hộ kinh doanh nên được thực hiện qua tài khoản chính chủ để tránh vi phạm pháp luật và đảm bảo minh bạch tài chính.
Tóm lại, theo quy định pháp luật, chủ hộ kinh doanh không được phép sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác để thực hiện giao dịch kinh doanh. Việc này có thể vi phạm các quy định về sử dụng tài khoản thanh toán, phòng, chống rửa tiền và quản lý thuế, gây ra nhiều rủi ro pháp lý.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh hợp pháp, chủ hộ kinh doanh nên mở tài khoản ngân hàng riêng, thực hiện giao dịch qua tài khoản chính chủ và tuân thủ các quy định tài chính của pháp luật. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề tài khoản ngân hàng, bạn có thể liên hệ ngân hàng hoặc cơ quan thuế để được hướng dẫn cụ thể.