Được nghỉ ít nhất 5 ngày
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc trong trường hợp sinh bình thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu vợ vừa sinh đôi trở lên vừa phải phẫu thuật. Đây là quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014. Thời gian nghỉ việc nói trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ (thời gian nghỉ của cả cha và mẹ cộng lại là 06 tháng). Trường hợp mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện về số tháng đóng BHXH (đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh với trường hợp bình thường, đủ 03 tháng trong 12 tháng trước khi sinh với trường hợp phải nghỉ dưỡng thai bệnh lý) mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi (khoản 4 Điều 34 Luật BHXH 2014).
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi (khoản 6 Điều 34 Luật BHXH 2014).
Cách tính hưởng thai sản cho bố
Theo Điều 38 Luật BHXH 2014, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 101 Luật BHXH 2014 gồm: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ BHXH.
Cách tính cho một trường hợp cụ thể
Anh Minh là nhân viên của Công ty A có trụ sở ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại anh đang làm việc ở đó và có tham gia đóng BHXH bắt buộc. Giờ vợ anh đang có bầu và sắp sinh con nhưng vợ anh đang sinh sống ở quê tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và vợ anh chỉ ở nhà làm công việc nội trợ nên không tham gia đóng BHXH. Trong trường hợp này, theo quy định mới của Luật BHXH năm 2016 liệu anh Minh có được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm hay không? Nếu muốn được hưởng thì anh Minh cần phải làm những giấy tờ, thủ tục gì? Làm thủ tục ở đâu? Nếu làm xong giấy tờ, thủ tục thì sẽ nộp giấy tờ ấy cho ai?
Trong trường hợp của anh Minh, nếu anh đáp ứng điều kiện là đã đóng BHXH đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi vợ anh sinh con thì anh sẽ được hưởng chế độ thai sản. Cụ thể quyền lợi như sau:
Về thời gian, theo khoản 2 Điều 34 Luật BHXH, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc với trường hợp sinh bình thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Về mức hưởng, theo điểm b khoản 1 Điều 39 thì mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 34 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. Mà mức hưởng chế độ thai sản theo tháng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 như sau: “Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”. Như vậy, cứ mỗi 01 tháng nghỉ chế độ thai sản, người lao động sẽ được hưởng tương ứng 01 tháng lương (hàng tháng công ty làm căn cứ để nộp BHXH), còn với mỗi 01 ngày nghỉ chế độ thai sản như trên, lao động nam sẽ được hưởng 01 tháng lương chia cho 24.
Giả sử, vợ anh Minh sinh bình thường, anh được nghỉ 05 ngày; mức lương trung bình 06 tháng gần nhất là 10.000.000 đồng thì anh Minh sẽ được hưởng: (10.000.000 : 24) x 5 = 2.083.333 đồng.
Ngoài số tiền trên, trong trường hợp này vợ anh Minh không tham gia BHXH mà chỉ có bạn tham gia, anh Minh còn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con (theo Điều 38). Anh Minh cần lưu ý, mức lương cơ sở không phải là mức lương tối thiểu vùng, cũng không phải là mức lương hàng tháng anh được trả tại công ty. Theo Nghị quyết 99/2015/QH13, từ ngày 01/05/2016, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng. Do vậy, trong trường hợp này, anh sẽ được hưởng trợ cấp một lần là: 2 x 1.210.000 = 2.420.000 đồng.
Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con bao gồm: bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi (khoản 4 Điều 101).
Anh nộp đầy đủ hồ sơ nêu trên cho công ty, bộ phận nhân sự - hành chính của công ty sẽ có trách nhiệm lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ công ty, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.