|
Ông Đoàn Trọng Phương. |
* PV: Thưa ông, Lễ hội Văn hoá Trà là dịp để tôn vinh ngành chè, người trồng chè; giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu chè của Lâm Đồng. Ông có nhận xét gì sau 2 lần lễ hội?
* Ông Đoàn Trọng Phương: Sau mỗi lần Lễ hội Trà, sự tôn vinh ngành chè, người trồng chè được nhân lên, cùng với sự động viên, khích lệ tìm tòi, miệt mài nghiên cứu khoa học, tinh thần hăng say lao động để cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau giữ vững và phát triển vị thế của cây chè, ngành chè; thương hiệu Chè B’Lao nói riêng, chè Lâm Đồng nói chung ngày một quảng bá rộng rãi hơn và ngày càng có uy tín trên thương trường. Năm 2010, chè Lâm Đồng sản xuất ra không đủ bán. Chè xanh thuận lợi hơn các năm trước; chè Oolong tiêu thụ mạnh, thu nhập cao, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế ở địa phương. Nhờ vậy, việc tái đầu tư cho vùng nguyên liệu cũng khá hơn trước. Người trồng chè yên tâm sản xuất. Đặc biệt, thương hiệu Chè B’Lao được tôn vinh, được công nhận (cùng với thương hiệu Chè Mọâc Châu). Riêng Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng đã được Bộ Công thương công nhận và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín”, vì đã có thành tích xuất khẩu chè.
* PV: Việc quảng bá thương hiệu là không ngoài mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông có thể khái quát thị trường chè của Lâm Đồng hiện nay, nhất là thị trường xuất khẩu?
* Ông Đoàn Trọng Phương: Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 26.000 ha, trong đó có hơn 24.000 ha thu hoạch. Sản lượng thu hoạch năm 2010 đạt trên 140 ngàn tấn búp tươi, sản lượng chè thành phẩm đạt trên 30 ngàn tấn (cao nhất Việt Nam), chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Cây chè của Lâm Đồng được trồng ở nhiều địa phương, nhưng tập trung chủ yếu ở thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Không riêng gì Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng mà các doanh nghiệp khác cũng đều tập trung đi vào “chiều sâu” và đổi mới công nghệ để nâng giá trị hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Mỹ, Nga, Đài Loan, Trung Quốc… Điều đáng mừng là sản lượng chè của Lâm Đồng sản xuất ra không đủ để bán.
* PV: Với cương vị của mình, ông có điều gì “trăn trở” với ngành chè?
* Ông Đoàn Trọng Phương: Hạn chế và tồn tại của ngành chè hiện nay vẫn là xuất khẩu chè “thô”. Do vậy, giá cả chè Việt Nam thấp, chỉ bằng 60% so với các nước. Đây là một tổn thất!
* PV: Tồn tại muôn thuở ấy chẳng lẽ cứ mãi vậy sao?
* Ông Đoàn Trọng Phương: Không! Nước ta đã có “Chương trình hiện đại hoá ngành chè” từ 2010 - 2020, với những mục tiêu là cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu nhập cho ngành chè và tăng kim ngạch xuất khẩu cho Quốc gia. Chương trình này sẽ được đầu tư hơn 88 triệu USD và chia làm 2 giai đoạn: từ 2011 – 2015 (trên 61 triệu USD) và từ 2016 – 2020 (trên 27 triệu USD). Khi ấy sẽ lập lại được trật tự trong sản xuất chè; sẽ chuyển từ sản xuất trà “thô” sang trà “tinh” và sẽ tạo được thế cạnh tranh với các nước.
* PV: Từ khi hội nhập WTO, bỏ hàng rào thuế quan, nhưng “hàng rào kỹ thuật” lại được dựng lên. Nó đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng hàng hoá, chất lượng sản phẩm. Mặt hàng chè xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Lâm Đồng nói riêng có đáp ứng được yêu cầu đó không?
* Ông Đoàn Trọng Phương: Được chứ! Hiện nay, ngành chè cả nước đang trên lộ trình triển khai sản xuất chè an toàn, chè sạch. Riêng Lâm Đồng, đặc điểm cây chè là nhờ khí hậu, thời tiết thuận lợi, cây chè ít sâu bệnh. Những năm qua, tạâp quán của người trồng chè có sự thay đổi dần: Chỉ trị bệnh khi cây chè xuất hiện sâu bệnh. Việc phòng ngừa sâu bệnh cho cây chè có hiệu quả là phải chăm sóc vườn chè và làm sạch cỏ. Khi đã có sâu bệnh thì chỉ dùng thuốc trong danh mục theo tiêu chuẩn Quốc tế. Sau khi xịt thuốc phải chờ đủ thời gian cách ly rồi mới thu hái. Trong năm 2010, chưa có khách hàng nào phàn nàn về chất lượng trà xuất khẩu của Lâm Đồng. Hiện nay, đơn vị đầu tiên ở Lâm Đồng là Công ty TNHH Vina Suzuki (100% vốn nước ngoài) thực hiện rất nghiêm ngặt qui trình sản xuất “chè sạch” và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ORGANIC TEA – ISO 22000 – 2005; số ít doanh nghiệp đã được công nhận sản xuất “chè an toàn” theo hướng GAP; số còn lại đang từng bước triển khai qui trình sản xuất “chè an toàn”.
* PV: Xin cám ơn ông!
Bùi Trưởng (thực hiện)