Che mắt nhà quản lý, xây di tích theo kiểu “lẩu thập cẩm”

(PLO) - Một điều lạ là các công trình sai phép có quy mô hoành tráng ở các di tích lại đều qua mặt các nhà quản lý dễ dàng. Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao ở những di tích này “vải thưa vẫn che được mắt thánh”?

Hương Nghiêm pháp đường xây dựng trái phép.
Hương Nghiêm pháp đường xây dựng trái phép.
Kiến trúc “lẩu thập cẩm” ở các di tích
Tại khu danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hay còn gọi là chùa Hương (được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1962), một công trình hoành tráng, sừng sững tọa lạc trong khu vực trung tâm của chùa Thiên Trù. 
Công trình mới này được gọi là Hương Nghiêm pháp đường, có quy mô lớn với hai tầng mái, mỗi chiều 25m, diện tích mặt sàn khoảng 400m2, mái ngói đỏ. Toàn bộ cầu thang và lan can đều được làm bằng đá, có trang trí hoa văn và đặc biệt là xung quanh lối vào công trình này có gắn nhiều vật trang trí như những bức phù điêu được tạo hình khác lạ, kiểu đầu nửa rồng, nửa voi, cùng những tòa tháp nhỏ được trang trí xung quanh tòa nhà. 
Giáo sư Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, đây là kiến trúc lai căng, được pha tạp nghệ thuật mà không có chuẩn mực cụ thể, là một sự chắp vá lung tung, kệch cỡm. “Có thể nói nó giống như một nồi lẩu thập cẩm” - GS Biền nói. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao (VH-TT) Hà Nội khẳng định công trình kiến trúc tại chùa Hương xây dựng trái phép, nằm trong vùng lõi của di sản vốn là phạm vi bảo tồn nguyên trạng, phá vỡ cảnh quan di tích.
Ngoài chùa Hương, dư luận không khỏi bất bình khi khu di tích Yên Tử bị xâm hại. Công ty Tùng Lâm tự ý tháo dỡ điểm thờ tự tại chân ga cáp treo để xây mới nhà văn hóa của công ty ngay trong vùng 1 - vùng bảo vệ đặc biệt của di tích. Diện tích xây dựng của công trình này rộng trên 260m2, được thiết kế như một ngôi chùa với 8 mái cong uốn lượn, choán hết không gian của sân ga cáp treo. 
Ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí khẳng định công trình nhà văn hóa của Công ty Tùng Lâm đã xây dựng không phép. Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của danh thắng Yên Tử, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phải được Cục Di sản phê duyệt kiến trúc, công năng. 
Với vi phạm ở chùa Hương, Yên Tử, dư luận bất bình, đây không chỉ là những hành động vi phạm pháp luật đơn thuần mà còn trắng trợn xâm hại di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.
Nhà văn hóa của công ty Tùng Lâm xây dựng trái phép.
Nhà văn hóa của công ty Tùng Lâm xây dựng trái phép. 
Quản lý kiểu… đuổi đuôi
Một điều lạ là, các công trình sai phép có quy mô hoành tráng ấy lại đều qua mắt các nhà quản lý dễ dàng. Ví như ở chùa Hương, năm 2011 Ban xây dựng chùa Hương khởi công và đến năm 2013 thì hạng mục công trình Hương Nghiêm pháp đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đầu tháng 11 năm nay, các cơ quan quản lý mới hay Hương Nghiêm pháp đường xây dựng không phép. 
Và để “chữa cháy”, Sở VH-TT Hà Nội đốc thúc cuối tháng 11, UBND huyện Mỹ Đức gửi báo cáo chi tiết về công trình, sau đó Sở sẽ tổ chức một đoàn kiểm tra liên ngành, rồi Sở tổ chức hội nghị khoa học, mời các chuyên gia đánh giá mức độ vi phạm, ảnh hưởng tới yếu tố gốc của di tích, cảnh quan môi trường của di tích để từ đó xử lý cho phù hợp. Vậy là, để xử lý sai phạm, cơ quan chức năng lại tổ chức hội nghị… tốn tiền thuế của dân!
Quay trở lại khu di tích Yên Tử, ngày 12/9/2015 Công ty Tùng Lâm phá dỡ điểm thờ tự cũ tại chân ga cáp treo mà đến ngày 5/10/2015, Công ty mới có Văn bản số 212CV-TL xin UBND TP Uông Bí sửa chữa nhà văn hóa công ty. Nghĩa là, xây dựng công trình trước cả tháng rồi mới làm thủ tục? 
Lạ lùng hơn nữa, một công trình đồ sộ được thi công tới vài chục ngày đều qua mặt được tất cả các cán bộ trong Ban Quản lý rừng và danh thắng Yên Tử, phường Thượng Yên Công, UBND TP Uông Bí, Phòng Văn hóa, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng…  
Từ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng này, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao “vải thưa vẫn che được mắt thánh”? Lý do gì khiến các cơ quan chức năng dễ dàng bị qua mặt? Chỉ tới khi truyền thông, dư luận phát hiện ra sai phạm, các cơ quan quản lý của hai di tích này mới kiểm tra, quản lý theo kiểu… đuổi đuôi. 
Và hiện câu trả lời trước dư luận của các nhà quản lý từ trung ương tới địa phương luôn là: “Chúng tôi đang kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm khắc các vi phạm”. Nhưng dư luận không biết tới bao giờ vi phạm…“sẽ xử lý”! 

Đọc thêm