Dạy trẻ làm người tốt…mù quáng
Là tiêu đề bài báo của tác giả T.H vừa được đăng tải trên một tờ báo mà lượng độc giả phần lớn là phụ nữ và gia đình. Tác giả kể lại câu chuyện của những vị phụ huynh khi học cùng con mình: “Tối qua, ngồi học cùng con, tôi mới tá hỏa khi ngay trong trường, người ta “nhồi” vào đầu đứa trẻ những bài học hết sức sai trái.
Một bài tập trong vở thực hành chính tả lớp Hai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được dạy trong trường có nội dung: “Nai Nhỏ xin cha cho đi chơi xa cùng bạn. Biết bạn của con khỏe mạnh thông minh và nhanh nhẹn, cha Nai Nhỏ vẫn lo. Khi biết bạn của con liều mình cứu người khác, cha Nai Nhỏ mới yên lòng cho con đi chơi với bạn”.
Sau đó, cô giáo còn cho học sinh ghi ý nghĩa bài học là: ca ngợi sự dũng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác của bạn Nai Nhỏ”, một phụ huynh có con học lớp Hai tại Q.Tân Phú, TP.HCM kể. Vị phụ huynh này nhận xét: “Đây là bài học phản giáo dục, nếu không muốn nói chính xác là ngu dốt. Tại sao lại dạy trẻ liều mình cứu người?
Bao nhiêu cái chết oan uổng của trẻ đã xảy ra từ bài học kiểu này rồi?”. Chị Thanh Tâm (Q.11) bức xúc: “Tại sao không viết ra những bài học thực tế, hữu ích và có tính thực hành hơn, như là: Nai Nhỏ nhanh trí gọi đến số điện thoại khẩn cấp 115 hay 113 cho lực lượng cứu hộ đến cứu bạn… Hoặc kiểu như Nai Nhỏ gọi bác Nai Sừng Tấm đến ứng cứu”.
Nhan nhản trong sách mà những đứa trẻ đang học ngày học đêm còn có những bài học mà theo chúng tôi là sự nhẫn tâm của người viết sách. Chị Trịnh Thanh Th., nói trong uất ức: “Sách Tiếng Việt lớp Bốn, nghe nói sách cải biên mỗi năm và được chọn lọc để dạy con em chúng ta. Tôi đọc thử và chỉ biết kêu trời”. Bài tập đọc, tuần thứ sáu có tên “Nỗi dằn vặt của Anđrâyca” nội dung đại ý rằng: Anđrâyca lên 9, sống với mẹ và ông. Ông em 96 tuổi nên rất yếu. Một buổi chiều, ông bị khó thở. Mẹ bảo Anđrâyca đi mua thuốc. Cậu bé đi ngay nhưng gặp bạn rủ chơi đá bóng em lại nhập cuộc.
Đến khi em mua thuốc về nhà thì ông đã qua đời. Dù mẹ nói không phải lỗi do em nhưng từ đó về sau, kể cả khi lớn lên em đều tự dằn vặt: giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa! “Để dạy con trẻ về sự hối hận, dằn vặt, họ sẵn sàng đưa vào một câu chuyện thiếu nhân văn - cho ông cậu bé chết đi để trở thành nỗi ám ảnh khắc sâu trong tâm trí của một đứa bé chín tuổi. Buộc ông phải chết cho đủ sức nặng để đứa trẻ dằn vặt, day dứt là một bài học dã man. Tôi tự hỏi vì sao lại bắt cậu bé chín tuổi đi mua thuốc? Thuốc không phải là món mà trẻ con có thể tự mua, điều này rất vô lý”, chị Th., chia sẻ”…
Đề cập tới những câu chuyện này, tác giả T.H nêu quan điểm, rằng nhan nhản trong sách giáo khoa, sách bài tập và trong trường phổ thông là những bài học dạy làm người một cách khiên cưỡng, phản giáo dục. Những đứa trẻ đang được “nhồi” những bài học về lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn… một cách sáo rỗng. Cứ ngỡ đó là những bài học nhân văn nhưng thực sự lại thiếu nhân văn nhất.
Dưới góc nhìn của mình, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Đây là những bài học dạy làm người nhưng lại phản giáo dục. Muốn dạy học trò làm người tốt thì không nên dạy hành động một cách mù quáng, không tự bảo vệ được sự an nguy của bản thân, đó là sự liều lĩnh thiếu kỹ năng chứ không phải là hành động dũng cảm.
Những bài học để giáo dục trẻ không chỉ chú trọng đến hiệu quả truyền tải mà nội dung cần phải có tính ứng dụng thực tế, phương pháp ở đó phải là dạng có kỹ năng và nội dung câu chuyện phải có tính nhân văn. Ví dụ, không thể dạy các em dũng cảm bắt cướp hay nhảy sông cứu bạn mà phải biết nhờ người lớn hoặc lực lượng chức năng, chuyên nghiệp, cũng như khi ông bệnh nặng thì phải đưa đi cấp cứu, nằm viện nhờ bác sĩ chữa trị chứ không thể tự ý đi mua thuốc…”.
Làm việc thiện cũng phải đúng cách
Đó là thông điệp từ câu chuyện về cách ứng xử của một tình nguyện viên người Mỹ khi thấy các tình nguyện viên trong đoàn định trao quà cứu trợ cho một đứa trẻ. Trước đó, mọi người trên chuyến xe cứu trợ không khỏi xúc động khi nhìn thấy một cậu bé da đen sạm, gầy trơ xương, quần áo tả tơi đuổi theo chiếc xe tải to lớn chở đầy quà cứu trợ. Ngay lập tức, nhóm tình nguyện viên quay vào xe lấy quà cứu trợ trao cho cậu bé.
“Anh định làm gì vậy? Bỏ xuống!”, tình nguyện viên người Mỹ quát lớn. Các tình nguyện viên không khỏi bất ngờ trước hành động kì quặc của chàng trai người Mỹ. “Chúng ta đến đây để giúp mọi người kia mà?” - họ nghĩ thầm.
“Chào em, tụi anh đã đi rất xa để đến đây. Trên xe có rất nhiều thứ, em có thể giúp anh chuyển chúng xuống không? Tụi anh sẽ trả công cho em” - tình nguyện viên người Mỹ hỏi cậu bé. Trong khi đứa trẻ còn đang lưỡng lự thì các cậu bé khác đã chạy tới trước chiếc xe. Tình nguyện viên người Mỹ cũng đề nghị giống như vậy với chúng. Một đứa trong nhóm xung phong khuân thùng bánh bích quy xuống xe.
“Rất cám ơn em đã giúp anh, đây là phần thưởng cho em” – một thùng bánh bích quy và một cái chăn bông được trao cho cậu bé – “Không còn ai sẵn lòng giúp đỡ bọn anh nữa sao?”. Những đứa trẻ lập tức trèo lên xe và trong tích tắc hàng hóa đã nằm ngay ngắn dưới mặt đất. Các tình nguyện viên nhanh chóng trao cho mỗi em một phần quà cứu trợ.
Trẻ cần được học những bài học về kỹ năng sống được dạy một cách chuẩn mực nhất. (Ảnh minh họa). |
Một đứa trẻ đến muộn vô cùng thất vọng khi nhìn thấy cái thùng xe tải trống rỗng. Em không biết mình phải làm gì để được nhận quà. “Hãy nhìn xem, mọi người đang rất mệt mỏi. Thật tuyệt vời nếu em có thể tặng mọi người một bài hát” - tình nguyện viên người Mỹ gợi ý. “Cám ơn em, bài hát thật tuyệt!” - chàng trai vừa nói vừa trao cho cậu bé một phần quà.
Trước các hành động của tình nguyện viên Mỹ, nhóm tình nguyện viên cùng đoàn không khỏi trầm tư, suy nghĩ. Đêm đó, các tình nguyện viên đã có dịp trò chuyện cùng nhau, tình nguyện viên người Mỹ nói: “Thật xin lỗi vì thái độ của tôi ban sáng, tôi không nên lớn tiếng như thế. Nhưng bạn biết không, nghèo không phải là cái tội, nhưng nếu những đứa trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của mọi người một cách quá dễ dàng, rất có thể chúng sẽ hình thành lối nghĩ rằng cần dùng sự nghèo đói của mình để mưu sinh, chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy, chúng sẽ càng nghèo khổ hơn. Đó không phải là lỗi do chúng ta gây ra hay sao?”.
Với đoàn tình nguyện viên, có thể nói hôm đó là một ngày dài đầy trải nghiệm. Giờ thì họ đã hiểu, lý do vì sao dường như những đứa trẻ đã quen với việc được mọi người giúp đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc mỗi khi đến đây, cho nên chúng ngang nhiên đứng trên đường chờ những chuyến xe thiện nguyện đến phát quà. Làm việc thiện không khó nhưng cũng không đơn giản, cần có lý trí không nên vì hành động của mình mà gây ảnh hưởng xấu cho thế hệ tương lai.
Kết
Không biết bạn thế nào, chứ tôi giữ cho mình thật nhiều cảm xúc khi được tiếp cận với quan điểm của tác giả T.H và thông điệp của tình nguyện viên người Mỹ. “Là người tốt có khó không; Dạy trẻ thế nào để trở thành người tốt ?…” - trong quá trình tìm lời giải cho các câu hỏi rất cũ ấy, không ít gia đình, nhà trường đang vấp phải không ít khó khăn, thậm chí đã xảy ra những mặt trái và hệ lụy không mong muốn, mà điển hình là vụ 3 trẻ mẫu giáo bỏng cồn nặng khi được cô giáo dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy ở Hà Nam.
Còn nhớ, tại buổi tọa đàm xung quanh chủ đề xâm hại trong học đường, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) bày tỏ: “Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các vụ xâm hại tình dục được gây ra bởi người thân quen của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì khi ở trước người to lớn hơn khó mà chống đỡ. Những kẻ tìm cách xâm hại tình dục trẻ em ngoài sức mạnh, còn có kế hoạch, âm mưu rất bền bỉ như cho kẹo, tiền, tặng quà… Đó là những vũ khí ngọt ngào, chứ không phải đối tượng lập tức xông vào trẻ, nên việc chống cự lại có thể sẽ khiến trẻ bị tổn hại về thể chất. Dạy trẻ như thế nào cần phải có sự thảo luận, chương trình cụ thể, quy định rõ” - bà Vân Anh nói.
Vì thế, nên chăng đã đến lúc, nhân cơ hội đang thực hiện chương trình giáo dục - sách giáo khoa mới, ngành Giáo dục cần rà soát và sớm ban hành một quy trình chuẩn trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ. Và cơ sở để ban hành quy trình chuẩn này nên có sự tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới.