Phường Hạ Đình, nơi xảy ra sự cố đã có ngay một văn bản khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm độc hại, lập tức, quận Thanh Xuân khẳng định mức độ ô nhiễm thủy ngân cho phép và yêu cầu rút lại văn bản đó, xem xét kỷ luật người ra văn bản, còn chính quyền thành phố thì không có ý kiến gì với việc này. Mới nhất, kết quả kiểm tra, trắc nghiệm, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định sự thật là mức độ ô nhiễm trầm trọng, khuyến cáo người dân là cần thiết.
Còn người dân địa phương thì bức xúc, vừa lo tự cứu mình và con em, vừa kéo đến trụ sở của Công ty đòi hỏi những thông tin cần thiết cho họ. Cần minh bạch mọi chuyện bởi đây là chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng con người.
Sự cố này cũng làm lộ diện chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” khi trước đây đã có nhiều ý kiến là phải di dời các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu độc hại ra khỏi khu vực dân cư.
Vụ việc này cũng tương tự như xử lý nước sông Tô Lịch, “người làm, người phá”, đề xuất những biện pháp “trời ơi” khiến dư luận không chỉ chê trách mà còn tỏ ra thiếu tin tưởng vào bộ máy quản lý đô thị cùng cơ quan chức năng.
Mưa bão vừa qua ở miền Trung cũng đã làm lộ diện những công trình xây dựng đường sá và cầu cống. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Chư Sê (Gia lai) 250 tỷ, hơn 10 km đường vừa nghiệm thu đã nứt toác như động đất.
Một cây cầu ở Quảng Trị vừa xây dựng, nghiệm thu được 3 tháng khi nền đất dưới sụt lở mặt cầu trơ lại lớp nhựa “mỏng như bánh tráng”. Một số công trình khác khi bị mưa bão “nghiệm thu” đã lộ rõ chất lượng yếu kém.
Theo lý giải của những người có trách nhiệm thì nguyên nhân là trời mưa lớn, đường bị “ngậm nước” hoặc do nền đất yếu, do mạch nước ngầm còn chất lượng công trình “đảm bảo”. Việc hết đổ tội cho trời rồi cho đất đó khiến dư luận bức xúc và không ít lời đàm tiếu.
Ngược lại, một loạt động thái nhận lỗi của các bệnh viện gần đây khi để xảy ra tình trạng mổ nhầm, không chăm sóc chu đáo khiến trẻ sơ sinh tử vong hay bệnh nhân bị chết. Lãnh đạo bệnh viện công khai thừa nhận, đến nhà nạn nhân xin lỗi, bồi thường,...
Người ta không đổ lỗi cho “sự cố y khoa” nữa mà nhận lỗi về mình. Đó là cách ứng xử đàng hoàng, có tình, nên học tập và làm theo!