Giáo dục đạo đức nghề luật đang đòi hỏi ngày càng cấp thiết

(PLVN) -Sinh thời, Bác Hồ đã dạy rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời dạy của Bác vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có giá trị thực tiễn, đã vạch ra được phương hướng tu dưỡng cho mỗi người là phải rèn luyện cả tài lẫn đức để trở thành một con người toàn diện, nhất là những người làm công tác pháp luật.
Giáo dục đạo đức nghề luật đang đòi hỏi ngày càng cấp thiết

Nền tảng đạo đức lung lay dẫn đến vi phạm pháp luật

Trong xã hội, làm nghề gì cũng cần cái đức, cái tâm, cần những quy tắc ứng xử, đặc biệt là những nghề nghiệp liên quan đến pháp luật như luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên – những nghề nghiệp được ví như nắm trong tay sinh mệnh chính trị của người khác... Một khi họ không nằm lòng những quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình thì việc “sảy chân” là hoàn toàn dễ hiểu.

Chẳng hạn là chỉ mới cách đây vài ngày, dư luận xôn xao trước vụ việc một vị thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4 (TP HCM) và một giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát tại TP HCM bị khởi tố, bắt tạm giam. Đó là các ông Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng bị bắt để điều tra về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đơn tố cáo gửi Công an quận 1 của bà Nguyễn Thị Thu Thảo (nhà số 29 đường Nguyễn Bình Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM), có một nhóm người tự xông vào nhà bắt ba đứa con của bà và chiếm nhà một cách trái phép, khiến gia đình bà bị đẩy ra ngoài đường. Ba người bị bà Thảo nêu đích danh gồm: ông Nguyễn Hải Nam (Phó Chánh án TAND quận 4), ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM) và bà Nguyễn Thị Hạnh (Văn phòng Thừa phát lại tại TP HCM).

Theo bà Thảo, năm 2017, bà Thảo ký hợp đồng mua căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao) của bà Chi với giá 25 tỷ đồng để ở và cho thuê dạng căn hộ mini. Theo hợp đồng, bà Thảo thanh toán cho bà Chi 16 tỷ và số tiền còn lại sẽ trả đủ khi xong thủ tục hoàn công. Bà Thảo đang đứng ra sửa chữa, trang trí căn nhà để cho thuê và thủ tục này vẫn chưa hoàn tất, giấy tờ nhà vẫn đứng tên bà Chi thì có xảy ra tranh chấp, dẫn đến sự việc trên.

Vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng với những người bản thân rất am hiểu pháp luật như ông Nam, ông Tùng mà vẫn ngang nhiên vi phạm pháp luật thì một nguyên nhân hết sức sâu xa chính là nền tảng đạo đức trong họ đã bị lung lay, khiến họ bất chấp những quy tắc đạo đức nghề nghiệp lẽ ra họ thuộc nằm lòng.

Muốn thành công, trước tiên phải học đạo đức

Cũng chính vì lơ là tu dưỡng đạo đức, không ít người làm công tác pháp luật đã “nhúng chàm” để rồi phải trả giá cho hành vi của mình sau song sắt nhà tù. Có thể kể đến như cựu thẩm phán TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) Giáp Văn Huyên bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” về hành vi “vòi vĩnh” ba bị can trong vụ án lừa đảo từ 30-70 triệu đồng nếu muốn giảm nhẹ hình phạt; cựu Phó Chánh án TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội) Lê Thị Bích Anh nhận 300 triệu đồng của người nhà bị cáo với thỏa thuận tuyên án treo cho bị cáo trong một vụ án cố ý gây thương tích… 

Hay trong giới luật sư, một số luật sư đã chạy theo lợi ích vật chất mà vi phạm pháp luật, có hành vi trái đạo đức như Dương Kim Sơn (SN 1975, Hà Nội) khi còn là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, là người bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) đã nhận 10 tỷ để “chạy án” cho Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty VN Pharma). Hậu quả, Sơn bị tuyên 17 tháng 17 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “Môi giới hối lộ” theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội…

Đạo đức nghề nghiệp vốn được xây dựng trên nền tảng đạo đức chung của xã hội. Thời gian qua, số đông những người làm công tác pháp luật đã tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, thực tế cũng không tránh khỏi hiện tượng vi phạm như trên. Vì vậy, việc giáo dục, đề cao đạo đức nghề luật ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhận thức được sự cần thiết đó, các cơ sở đào tạo luật rất chú trọng đến việc bồi dưỡng đạo đức cho các em sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như Trường Đại học Luật Hà Nội hàng năm tổ chức Tuần lễ giáo dục công dân cho sinh viên, riêng năm 2019 thì Trường vừa tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Giáo dục đạo đức văn hóa, đạo đức công dân, đạo đức nghề luật”. Các ngành nghề liên quan đến pháp luật về cơ bản đều có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp như Bộ Tư pháp đang quản lý nhà nước khá nhiều nghề bổ trợ tư pháp từ luật sư, công chứng đến đấu giá tài sản, thừa phát lại… gần 10 năm trước đã ban hành quy định về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức,viên chức ngành Tư pháp; Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phấn quốc gia tháng 7/2018 ký Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán…

Hy vọng, mỗi người làm công tác pháp luật, bên cạnh trau dồi kiến thức chuyên môn thì cũng không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức để “tài” và “đức” cùng song hành, bảo đảm công lý, công bằng trong xã hội.

Ý kiến:

Ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên: Thẩm phán là nghề cao quý nhưng đầy rủi ro

Sở dĩ thẩm phán là nghề cao quý bởi để được bổ nhiệm làm thẩm phán phải trải qua rất nhiều năm công tác. Quy trình bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ, phải thi để được tuyển chọn, sau khi đỗ mới làm hồ sơ để được tuyển chọn. Thẩm phán còn là nghề cao quý ở chỗ chức danh thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm và là một trong số rất ít chức danh được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Đây cũng là nghề được xã hội rất trân trọng. Để đạt được điều ấy, thẩm phán phải đạt được những tiêu chí nhất định, trong đó phải thực sự công tâm, giải quyết công việc vì dân.


Cao quý là vậy song nghề này cũng có rủi ro bởi hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Nhà nước ban hành rất nhiều đạo luật, văn bản hướng dẫn mà cách hiểu của thẩm phán, đặc biệt là các thẩm phán mới được bổ nhiệm, còn khác nhau nên áp dụng pháp luật chưa chính xác. Từ thực trạng này, nếu thẩm phán mà ra bản án, quyết định bị cấp trên sửa, hủy án, nếu bị hủy quá mức quy định theo quy định của TANDTC thì bị tạm dừng theo quyết định về xử lý chức danh tư pháp. Nếu thẩm phán bị sửa án quá mức quy định thì bị tạm dừng việc xét xử, nếu nghiêm trọng hơn thì bị miễn nhiệm không được bổ nhiệm. Do đó có thể nói đây là nghề rất rủi ro mà ngành khác không có. 

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Giám đốc Công ty Luật TNHH Tam Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Đề cao Quy tắc “độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan”

Để trở thành luật sư, Luật Luật sư quy định: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân Luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Khi trở thành luật sư, phải tuân thủ theo Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành gồm 27 điều. Trong đó, cá nhân tôi thấy Quy tắc số 2: Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan là quan trọng nhất. Điều này không chỉ riêng với nghề luật sư của chúng tôi.


Nhớ lại câu chuyện khi tôi mới “bước chân” vào nghề luật sư là một vụ án hình sự liên quan tới vị thành niên, luật sư tham dự phiên tòa đó là luật sư chỉ định. Khi HĐXX vào phòng xử rất lâu mà không thấy bị cáo đến. Do đó, HĐXX đã chuẩn bị bãi tòa, chuẩn bị phát lệnh giam bị cáo vì theo báo cáo của thư ký, họ đã tống đạt lịch xét xử đầy đủ. 

Trong vụ án này, bị cáo là vị thành niên được tại ngoại và thuộc trường hợp ít nguy hiểm nên việc họ không đến Tòa khiến tôi rất thắc mắc. Do đó, tôi đã xin HĐXX cho mình được đi xác minh và được đồng ý. Khi đến nhà họ, tôi thấy bị cáo vẫn ở nhà, hỏi ra mới biết hôm đó cậu ta có được thư ký đưa giấy nhưng không biết đọc nên bị cáo này đã không đến Tòa. Sau đó, tôi đã báo cáo HĐXX và họ đã chấp nhận xét xử sang một buổi khác”.

Bà Nguyễn Khánh Tuân (Trưởng Câu lạc bộ Học tập đạo đức văn hóa truyền thống, Trung tâm Giáo dục Quốc tế UNESCO Việt Nam): Rèn chữ “Đức” là bài học cả cuộc đời

Câu nói tâm đắc nhất trong cuộc đời tôi là: “Con chim Anh Vũ dù biết nói thì vẫn chỉ là loài chim; con Tinh Tinh dù biết nói thì vẫn chỉ là loài thú; còn con người, tuy biết nói, hình tướng là người nhưng nếu không có nhân cách, lễ nghĩa làm người thì cũng chỉ như con thú”. Qua câu nói này để thấy được rằng, mức độ quan trọng việc rèn luyện đạo đức, nhân tính tốt mới hình thành nên một “Người” có đầy đủ nhân sinh quan, thế giới quan thực sự.


Tuy nhiên, học làm người không đơn giản, chúng ta học từ khi bắt đầu biết bò, biết đi cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay từ biệt trần thế. Dù có là sinh viên, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư… cũng đều cần học làm người; bằng cấp chỉ là kiến thức, học làm người mới là học vấn vĩ đại nhất. Học đối nhân xử thế, kìm nén cái giận, phát huy cái thiện, hiếu đạo, vẹn nghĩa, trọn tình… những điều đó không sách vở nào dạy hết mà nó nằm xung quanh ta. Nên nhớ trước khi muốn làm người đứng đầu, làm lãnh đạo thì phải rèn chữ “Đức” trước tiên”. 

Đọc thêm