Chết đứng vì tin que thử ung thư bán tràn trên mạng

(PLO) - Cùng loại que thử ung thư nhưng giá chênh nhau hàng triệu đồng. Người bán thì khẳng định độ chính xác cao, kết quả nhanh. Vì quá tin vào các loại que thử này, không ít người gánh hậu quả nặng nề...

Các loại que thử ung thư được bày bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa.
Các loại que thử ung thư được bày bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Thu Sương (39 tuổi, ngụ phường Tây Lộc, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, khoảng một năm trước, bố chồng chị thường kêu đau bụng, đi ngoài có máu.
Khi chị khuyên bố chồng đi khám, ông cho là bình thường. Không yên tâm, chị lên mạng tìm mua que thử ung thư với giá 700 ngàn đồng. Kết quả trên que thử cho thấy ông âm tính với ung thư. Tháng trước, đột nhiên bố chồng chị đau bụng dữ dội, phải đi cấp cứu. Đầu tháng 11, ông được trả về vì bệnh đã quá nặng.
Theo anh Nguyễn Thanh Thắng (47 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thì, vì ngại đi khám bệnh nên anh lên mạng, đặt mua 3 chiếc que thử ung thư hiệu Sero-Check với giá 750 đồng/que.
Que thử thứ nhất bị hỏng khi không hiển thị màu. Que thử thứ hai hiện lên màu đỏ (âm tính). Tuy nhiên, khoảng tháng 5/2015, anh Thắng đột ngột giảm cân. Ngoài ra, anh bị đau bụng, chán ăn, buồn nôn, luôn cảm thấy mệt mỏi.
Cùng một loại que thử ung thư nhưng xuất xứ và giá bán khác nhau.
Cùng một loại que thử ung thư nhưng xuất xứ và giá bán khác nhau. 
Lần này, anh lại lấy que thử ung thư ra kiểm tra và vẫn nhận được kết quả màu đỏ. Và trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ vào tháng 8/2015, bác sỹ cho biết anh bị ung thư gan giai đoạn 2!
Từ thông tin của chị Sương, anh Thắng, PV lên mạng tìm hiểu và bất ngờ vì có rất nhiều địa chỉ bán que thử ung thư.
Liên hệ theo số điện thoại 097965xxx, cô gái tự xưng tên Thảo tư vấn: “Hiện nay, trong các cuộc kiểm tra, bệnh viện thường dùng chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh. Hai phương thức này khó phát hiện được ung thư giai đoạn đầu và giữa mà chỉ phát hiện vào giai đoạn cuối. Điều này khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội có lợi cho điều trị. Vì vậy, việc sử dụng que thử kiểm tra để biết chính xác mình có bị ung thư hay không là cần thiết...”.
Thảo giới thiệu với PV khá nhiều loại que thử như que thử ung thư gan HbsAg SD của Hàn Quốc, que thử viêm gan B Determine của Mỹ. Đặc biệt, hãng Sero- Check của Mỹ có que thử phát hiện được tất cả các loại ung thư, nhất là ung thư phổi, ung thư đại - trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung...
Khi PV hỏi: “Tại sao một dụng cụ lại có thể phát hiện ra nhiều bệnh như thế?”, Thảo chống chế: “Thực ra, que thử này có hình dáng và cấu tạo bên ngoài giống nhau nhưng dung dịch đi kèm khác nhau”. Các loại sản phẩm trên, Thảo chào giá 750.000 đồng/que.
Liên hệ với một cửa hàng khác, cũng là que thử Sero-Check nhưng chỉ có giá 15.000 đồng (?). Sang cửa hàng khác, PV được giới thiệu que thử ung thư có tên Quickcat. Nữ nhân viên bán hàng cho biết, sản phẩm này xuất xứ từ châu Âu, đã được ngành y tế nước này kiểm định, được phân phối độc quyền tại Việt Nam với giá 1 triệu đồng/que.
Trong khi đó tại một cửa hàng khác, giá que thử Quickcat chỉ có 750.000 đồng/que. Đặc biệt hơn, nhân viên tại cửa hàng này khẳng định, Quickcat được nghiên cứu và công nhận của ngành y tế Trung Quốc?!
Bác sỹ Nguyễn Út, Giám đốc bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khuyến cáo: Người dân không nên tin vào những lời quảng cáo ở trên mạng. Nếu có bệnh, cần đến các trung tâm y tế thăm khám để có được kết quả chính xác. Đã có rất nhiều trường hợp vì tin tưởng vào những lời quảng cáo trên mạng để rồi phải đánh đổi tính mạng.

Đọc thêm