Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, việc tiết kiệm 1% từ chi thường xuyên hoàn toàn trong “tầm tay” của chúng ta và từ nguồn tiền này, Chính phủ dư sức xây dựng sân bay Long Thành.
Cần hơn 18.000 tỷ để giải phóng mặt bằng
Trình bày tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQT), tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, CHKQT Long Thành sẽ được hoàn thiện để trình QH xem xét thông qua vào năm 2019 nên cần sớm triển khai Dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết số 94/2015/QH13.
Trường hợp GPMB sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHKQT Long Thành được phê duyệt, khi đó việc triển khai các bước tiếp theo sẽ phải phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng nên có thể sẽ kéo dài, chưa kể kinh phí GPMB tăng do biến động giá thị trường và đời sống của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan trong vùng dự án sẽ tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết, tổng diện tích của dự án CHKQT Long Thành là 5.586,14ha; tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng, trong đó có 18.054 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư. Nguồn vốn và cơ cấu vốn triển khai dự án theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách trung ương hơn 21.800 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư dự án), ngân sách trung ương ứng 1.160 tỉ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư dự án), UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định.
“Góp gió thành bão” từ các địa phương
Cho ý kiến khi thảo luận tại tổ, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) nhận định: “Bồi thường, tái định cư CHKQT Long Thành là rất quan trọng. Nếu lòng dân không thuận sẽ rất khó khăn!”. Theo ĐB, không phải cứ có tiền, có chính sách là có thể làm được. Vì đây là việc giải tỏa trắng khoảng 5.000 hộ và 15.500 khẩu là quá lớn, với hơn 5.000ha.
“Nếu không làm tốt sẽ kèm theo câu chuyện khiếu kiện đông người, vượt cấp”, ĐB Giàng A Chu cảnh báo và đề nghị phải quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động người dân bị dự án này ảnh hưởng.
Dẫn chứng cụ thể, ông Chu cho biết: “Như Yên Bái, thủy điện Thác Bà là công trình quan trọng. Hồi đó làm gì có bồi thường, chủ yếu là lòng dân thôi, vận động bà con nhường đất cho dòng điện quốc gia”.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Minh Chính cho rằng cần có phương án thuyết phục dân khi thực hiện GPMB. Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, các cơ quan chức năng phải quan tâm đến việc tổ chức lại cuộc sống của nhân dân, đồng thời khuyến khích người dân tự lựa chọn nơi định cư và Nhà nước hỗ trợ họ. Liên quan đến nguồn tiền để GPMB, ông Chính cho biết, ông rất băn khoăn khi Chính phủ mới bố trí được 5.000 tỉ đồng, còn thiếu từ 13.000 đến 18.000 tỉ đồng cho dự án này.
“Kỳ trước tôi đề nghị phải tiết kiệm, chúng ta từng làm hồi khủng hoảng 2007 tiết kiệm 10% chi thường xuyên”, ông Chính nhắc lại và cho rằng hiện nay chi thường xuyên đã lên tới 65%, trong đó chủ yếu là chi lương và phụ cấp tới 52,8%, còn lại là chi hành chính.
“Chỉ cần tiết kiệm 1% có 10.000 tỉ. Một số tỉnh vừa rồi như Hà Nội chẳng hạn, tiết kiệm được 4.000-5.000 tỉ. Tôi đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, mà dư địa tiết kiệm là được. Chỉ cần tiết kiệm 2% là đủ để thực hiện dự án này… Chúng ta phân bổ ra mỗi địa phương, bộ, ngành tiết kiệm một chút là “góp gió thành bão” — ông Chính nói.
“Các nguồn thì phân bổ hết rồi, nếu không tiết kiệm thì không xây được sân bay Long Thành. Tôi thì nghĩ tiết kiệm từ những hoạt động như: Lễ hội, hội họp, đi lại… mà 5 năm sẽ được 50 nghìn tỷ. Nếu dư thì đưa vào cao tốc Bắc - Nam. Tôi cho rằng việc tiết kiệm 1% là có thể làm được” - ĐB Phạm Minh Chính khẳng định.