Chị em mách nhau "chiêu" tiết kiệm Tết

Tết năm nay nằm trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nên rất nhiều người không dám chi dùng nhiều như mọi năm. Với mức lương, thưởng hạn hẹp, nhiều bà vợ đã rỉ tai nhau “chiêu” tiết kiệm mà vẫn đảm bảo được niềm hân hoan trong những ngày Tết.

Tết năm nay nằm trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nên rất nhiều người không dám chi dùng nhiều như mọi năm. Với mức lương, thưởng hạn hẹp, nhiều bà vợ đã rỉ tai nhau “chiêu” tiết kiệm mà vẫn đảm bảo được niềm hân hoan trong những ngày Tết.

Mua hoa không bằng mua sữa

Sức mua yếu là biểu hiện rõ nét nhất về tình hình kinh tế khó khăn của năm qua, khiến ngân quỹ tiêu Tết eo hẹp đến ái ngại, nhất là với những gia đình làm công ăn lương, khi tiền thưởng Tết cũng trở nên “co ngót” hơn. Tâm lý chung của nhiều gia đình là dịp Tết năm nay vẫn là tiết kiệm và thận trọng trong chi tiêu.

Để chi tiêu Tết hợp lý, các bà nội trợ đã dùng chiêu thức là liệt kê danh sách những khoản cần thiết. Sau đó, họ dự tính số tiền cho mỗi khoản mục trên và chỉ cho phép mình được tiêu trong khoản tiền ấy. Kể cả khi có tiền dự trữ, họ cũng không được tiêu quá số mà mình đã dự định nếu không muốn bị thâm hụt ngân sách gia đình sau này.

Ngay từ 23 tháng chạp- ngày ông Công, ông Táo lên chầu Trời, các gia đình đã bắt đầu hạn chế mua những chú cá chép đang bơi thật to mà thay vào đó là một chú cá chép nho nhỏ bằng giấy, bộ quần áo cho Táo quân cũng bé bé xinh xinh.

Nhiều gia đình không còn làm tiệc cỗ linh đình, thay vào đó là hoa quả và một chiếc bánh chưng, lạng giò… mời các Táo.

Chị Thanh Hải (Gia Lâm, Hà Nội) khoe: “So với năm ngoái, mâm cao cỗ đầy, các “ngài” “ngự” cá chép thật thì năm nay với cách làm trên, tôi cũng tiết kiệm được 500- 700 nghìn đồng chứ chả ít. Quan trọng là tấm lòng thành, chứ bày vẽ quá chỉ lãng phí”.

Đi sắm Tết cũng được nhiều gia đình giản tiện. Nếu như những năm trước, vợ chồng chị Quỳnh Hoa (Thanh Xuân) đều vác về cây đào, chậu quất trị giá hơn triệu đồng thì năm nay, vì “ví lép” nên anh chị chỉ

Tiền lì xì năm nay sẽ có xu hướng "hẻo" đi với phương châm "tinh thần là chính"

đi chợ hoa lấy không khí rồi sắm cho mình cành đào nhỏ đặt trên bàn thờ cho có hương vị ngày Tết.

 Anh Hùng - chồng chị Hoa nói: “Bây giờ làm ăn khó khăn, bỏ tiền triệu ra mua quất, đào, chơi vài hôm lại bỏ thấy xa xỉ quá! Số tiền ấy, ra giêng tôi dành mua sữa con các con”.

Giảm nhẹ “gánh nặng” lì xì

Cũng giống như anh Hùng, nhiều gia đình khác, đặc biệt là các gia đình trẻ đang có xu hướng giản tiện hóa việc "ăn" trong dịp Tết.  Ngoài đào quất, “tiết mục”  tiếp theo được cắt giảm đó là bánh kẹo, mứt Tết.

Người lớn chẳng mấy khi mặn mà với các món này, còn trẻ con thì cũng đã “bão hòa”. Nhiều người không mua nhiều bánh kẹo tiếp khách bởi theo họ, bây giờ đến nhà ai cũng có, mọi người không còn nhiệt tình với đồ ngọt. Tốt nhất là nên chọn những loại bánh kẹo đóng gói riêng biệt từng cái một, ăn cái nào bóc cái đó, không nên mua những loại ăn một lần không hết.

Chỉ cần 1-2 kg hạt dưa cắn tí tách, một ấm trà nhấm nháp lúc nói chuyện là đủ. Nhiều bà nội trợ còn sợ ăn đồ ngọt làm béo, do vậy thường chỉ mua một hai hộp bánh kẹo, một hộp mứt Tết để bày bàn thờ và mời khách cho có không khí Tết.

Hoa quả mua số lượng ra sao cũng được nhiều bà vợ cân nhắc. Những năm trước, vì lo sợ thiếu đồ ăn nên nhiều người sắm mâm ngũ quả hoành tráng, chưa kể hàng túi hoa quả các loại để trong tủ lạnh. Nhưng rồi mải đi chúc Tết, nhiều gia đình để quên mâm ngũ quả héo rũ, tủ lạnh có thời gian mất điện nên đồ ăn bên trong hỏng gần hết.

Xót của, nhiều gia đình rút kinh nghiệm chỉ mua vừa đủ. Dưa hấu được nhiều gia đình lựa chọn. Dưa sau khi trưng trên bàn thờ, sẽ được bổ vào ngày đầu năm. Sáng mồng 1 bổ được quả dưa đỏ au được xem là điềm may, nên chủ nhà thường chọn quả dưa to và chắc ruột. Dưa hấu vừa có ý nghĩa lại rất vừa túi tiền.

Không đặt nặng vấn đề "ăn" Tết, mà việc "chơi" đã trở nên được ưu tiên hơn. Ví như chị Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội), sau 2 năm làm đúng thủ tục ở nhà chồng là cúng trưa 30 Tết, rồi lại cúng tối tất niên, cúng sáng và chiều mùng một, chị cũng đã nhờ được chồng tác động để bố mẹ chồng gói gọn lại thành một bữa cúng tối tất niên và một bữa vào sáng mùng một. "Làm gọn thế đỡ vất vả cho cả nhà mà ngày 30 lại có điều kiện rủ mọi người cùng đi chơi chợ hoa, hay đi dạo phố đón Giao thừa", chị kể.

 Chị cũng vận động được ông bà cắt giảm số gà từ 6 con xuống chỉ còn 2, cho ngày cuối năm và ngày ra Tết. Những năm trước, gia đình chị Mai Lan thường đi lễ các tỉnh với chi phí hàng triệu đồng mỗi chuyến đi, nhưng năm nay, chị Lan và mẹ chồng nhất quán là cả gia đình chỉ đi chùa ở gần nhà và quan niệm rằng “Phật tại tâm”.  

Tiền lì xì cũng là điều khiến nhiều gia đình đau đầu. Trước cảnh “viêm màng túi” nhiều gia đình đành tự ra “nghị quyết” là coi lì xì là để lấy may chứ không đặt quá cao giá trị đồng tiền. Rất nhiều gia đình đã nhờ bạn bè, người thân làm bên ngân hàng đổi giúp những cọc tiền mới với mệnh giá thấp như: 10 nghìn- 20 nghìn đồng với phương châm…lì xì tinh thần là chính.

… Tất cả những “chiêu” tiết kiệm trên cho thấy, người Việt đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh để có được một mức chi phí khiêm tốn hơn mọi năm. Tuy nhiên, ở đời sướng khổ là tùy ở tâm nên không vì thế mà một cái Tết tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” lại kém phần thiêng liêng, thi vị và rộn rã tiếng cười …

Thùy Dương

Đọc thêm