Chị Phước làm nhiều việc có ích

Dù đã về hưu, nhưng chị Lương Thị Mỹ Phước (ảnh) ở tổ 32, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người và là cá nhân điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Dù đã về hưu, nhưng chị Lương Thị Mỹ Phước (ảnh) ở tổ 32, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người và là cá nhân điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mô tả ảnh.

Ba con heo đất và một tấm lòng

Kể từ năm 2001 đến nay, mỗi năm chị Phước đều tặng hàng chục suất quà cho học sinh khối lớp 9 có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Lương Thế Vinh - ngôi trường nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc. Và cuối mỗi năm học, chị còn trao thưởng cho tất cả học sinh khối lớp 9 của nhà trường đạt giải thưởng cấp thành phố về môn Ngữ văn (chị vốn là một giáo viên dạy văn). Mỗi phần thưởng của chị là một bộ đồ học sinh và được lãnh đạo nhà trường trân trọng gọi là “phần thưởng đặc biệt”. Hằng năm, nhà giáo này còn hỗ trợ áo đồng phục cho tất cả học sinh Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, hỗ trợ bữa ăn ngon cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và nhiều nghĩa cử nhân ái khác.

Nhân dân địa phương ai cũng cảm phục về những việc làm nhân ái của chị, nhiều người không biết chị đã tìm đâu ra những khoản kinh phí đó? Riêng chúng tôi thì đã tận mắt chứng kiến sự chắt chiu của chị trong sinh hoạt hằng ngày để dành tiền thực hiện những việc làm từ thiện. Chị có 4 người con đều học hành thành đạt, công tác trong những cơ quan, doanh nghiệp có mức lương cao. Mỗi khi các con chị “cho mẹ ít tiền tiêu”, chị lại lặng lẽ bỏ vào một con heo đất. Trên ngăn bàn của chị còn có 2 con heo đất khác: Một con để ủng hộ quỹ chi hội phụ nữ và một con là bỏ tiền tiết kiệm hằng ngày. Hằng năm, chị đem 3 con heo đất ấy hỗ trợ những học sinh nghèo và những mảnh đời bất hạnh. Những cụ già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh… ở trong khu phố thường xuyên được chị đến thăm hỏi, tặng quà. Đặc biệt, hai cháu Lê Ngọc Hà (mồ côi cha mẹ) và Lê Thị Hồng Thương (con một phụ nữ nghèo bất hạnh) còn được chị bảo trợ dài hạn mọi chi phí học tập.

Sự năng nổ của một cán bộ Hội

Từ năm 2007, chị Phước được bầu làm chi hội trưởng chi hội 4, Quang Thành 4A. Chị đã vận động chị em tiết kiệm mỗi tháng 2.000 đồng, lập ra quỹ tình thương. Từ đó, chi hội có được nguồn quỹ ổn định để thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên già yếu, ốm đau, nghèo khó, tạo ra sự khích lệ tinh thần và thu hút chị em đến với chi hội ngày càng nhiều. Chị còn vận động hội viên góp vốn quay vòng, được tập thể đồng tình hưởng ứng. Theo chị Phước, phụ nữ là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình, hằng ngày tiết kiệm chi tiêu vài ngàn đồng là việc làm không khó, tích tiểu thành đại, sẽ có hàng triệu đồng để mua sắm vật dụng gia đình hoặc sử dụng làm vốn buôn bán nhỏ. Vòng quay nào chị cũng tình nguyện nhận cuối cùng, làm cho một số người khác noi theo, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn được nhận trước.

Những năm qua, chị Phước đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, đưa chi hội nơi đây đứng vào tốp đầu trong phong trào phụ nữ toàn phường. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, cùng với kiến thức sâu rộng và cách diễn đạt giàu tính thuyết phục, chị đã hòa giải thành công nhiều vụ xích mích và tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, thiết thực góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm. Chị còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu giáo chức và nhiều công tác ở khu dân cư. Nhà giáo hưu trí này đã vinh dự nhận giải thưởng trong cuộc thi viết bài “Bác Hồ và người phụ nữ”, do Hội LHPN thành phố tổ chức.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

Đọc thêm