Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng bất thường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3 vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố tăng 0,75% so với tháng 2, đưa CPI 3 tháng qua tăng 4,12% so với tháng 12-2009 và tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2009.

Trái với quy luật tăng giá tiêu dùng của nhiều năm lại đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3 vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố tăng 0,75% so với tháng 2, tăng 9,46% so với tháng 3-2009, đưa CPI 3 tháng qua tăng 4,12% so với tháng 12/2009 và tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2009.

Chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm giá trong tháng 3.

CPI tháng 3 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,15-1,38%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,2% do các doanh nghiệp viễn thông liên tục có các chương trình khuyến mại giảm giá cước viễn thông. Bật lên dẫn đầu về mức tăng giá mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,38%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 1,03%; trong đó, thực phẩm tăng 1,5%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,75%. Các nhóm hàng hóa tăng mạnh tiếp theo là: giao thông tăng 0,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%; văn hóa giải trí du lịch tăng 0,5%. Mức tăng thấp nhất thuộc về nhóm may mặc, mũ nón và giày dép với 0,15%.

Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho biết: Nếu so với quy luật tăng giá tiêu dùng tháng 3 của 5 năm lại đây (thường là giảm hoặc tăng rất thấp) thì mức tăng CPI tháng 3-2010 đúng là mức tăng bất thường. Theo ông Thắng, CPI tháng 3 tăng cao chủ yếu là do tác động của việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: than, điện, xăng dầu, thép…trong khi đây lại là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất khác. Bên cạnh những tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, việc tăng giá xăng dầu sau Tết đúng vào thời điểm mà các mặt hàng thiết yếu khác vẫn trong đà tăng giá đã tạo nên những tác động tâm lý bất lợi khiến giá cả tăng.

Thực tế cho thấy, do tác động của việc tăng giá xăng dầu cũng như nhu cầu đi lại tăng cao, giá cước vận chuyển hành khách và hàng hóa đã tăng từ 10-20% (nhìn trong rổ hàng hóa có thể thấy nhóm giao thông tăng tới 0,92%-mức tăng cao nhất kể từ 5 năm lại đây).

Cùng với các tác động của tăng giá xăng dầu, việc giá điện tăng từ 1/3 cũng kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng khác. Cụ thể: Giá thép tại một số công ty phía Bắc đã tăng từ 200.000 - 900.000 đồng/tấn; giá phân urê tăng từ 300 - 500 đồng/kg; giá một số loại thức ăn chăn nuôi tăng từ 2,65 - 3,18%; giá xi măng bán tại nhà máy và bán lẻ tại thị trường phía Bắc tuy ổn định nhưng giá bán lẻ tại các tỉnh phía Nam lại tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Giá một số dịch vụ “ăn theo” điện như rửa xe, gội đầu, làm đẹp…cũng tăng từ 10-20%.

Bên cạnh các tác động trên, việc điều chỉnh tỷ giá giữa đồng USD và tiền đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua cũng khiến đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước tăng cao do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị…Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Hiện nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa hội nhập nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ dần phải tuân theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc điều chỉnh giá theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế vận hành đúng quy luật. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng giá các mặt hàng thiết yếu; cũng như chọn thời điểm tăng giá thích hợp để tránh tình trạng tăng giá đột ngột là hết sức cần thiết để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. (Theo TTXVN)
 

Đọc thêm