Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao: Cảnh giác lạm phát kép

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng của Hải Phòng tăng 0,73%, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trên phạm vi cả nước, chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 1,31%.

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng của Hải Phòng tăng 0,73%, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trên phạm vi cả nước, chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 1,31%. Điều này  được các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế  lường trước, khi giá xăng dầu tăng trong nửa đầu tháng 8 và sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD vào ngày 18-8 vừa qua. Hầu hết nhóm hàng hóa đều tăng giá, từ lương thực, thực phẩm, chất đốt đến vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, giáo dục, văn hóa, giải trí…

Các doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng cho rằng giá hàng hóa tăng do giá xăng dầu tăng. Ảnh: Khánh Linh
Các doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng cho rằng giá hàng hóa tăng do giá xăng dầu tăng.                                                                                       Ảnh: Khánh Linh

Lý giải tình trạng tăng giá hàng hóa, các doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng cho rằng, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận tải tăng; tỷ giá VNĐ/USD tăng nên nguyên liệu nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu tăng là đương nhiên. Tuy nhiên, có những nhóm hàng hóa tăng giá không liên quan đến tỷ giá hoặc giá xăng dầu. Đó là các chi phí về giáo dục, văn hóa, giải trí, mũ nón và giày dép trong nước sản xuất, một số dịch vụ khác… Những đóng góp lớn đầu năm học và các chi phí về mua sắm đồng phục, sách vở khi con em bước vào năm học mới là gánh nặng đối với  cha mẹ học sinh và làm tăng giá những mặt hàng thuộc nhóm này.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD trong tháng 9 vừa qua được xem xét, cân nhắc kỹ. Trong 8 tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước ở mức thấp, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, một trong các trung tâm mua sắm và tiêu dùng trong hai tháng liên tiếp có chỉ số giá “âm”. Trong khi đó, yêu cầu điều chỉnh tỷ giá là cấp thiết, trước hết để khắc phục tình trạng khan hiếm và đầu cơ ngoại tệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí vay vốn sản xuất, minh bạch hóa hoạt động ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu, mặt khác, xuất phát từ việc xác định giá trị thật của đồng tiền Việt Nam so với đồng USD. Trước đó, giá trị VNĐ  cao hơn so với giá trị thật. Nếu để quá lâu tình trạng này, có thể dẫn tới các hệ lụy khác. Trên thế giới, các nước như Trung Quốc luôn duy trì chính sách đồng NDT yếu. Thời gian gần đây, đồng Yên của Nhật Bản vừa lên giá so với các đồng ngoại tệ khác, lập tức Chính phủ Nhật Bản tung đồng Yên ra bán để làm giảm giá đồng tiền của nước mình. Đương nhiên, trong quá trình điều chỉnh tỷ giá, không tránh khỏi những tác động không mong muốn như ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phải nhập khẩu các nguyên, vật liệu để sản xuất do trong nước chưa có hoặc không đủ.

Trên địa bàn thành phố, theo Phó cục trưởng Cục Thống kê thành phố Nguyễn Văn Thành, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 9 có các nguyên nhân trên, nhưng so với cả nước, mức tăng không cao bằng. Chỉ số lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát là 6,42% (chỉ số giá so với tháng 12 năm trước). Vấn đề là, từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao và thường các chỉ số giá cũng tăng về cuối năm nên cần cảnh giác với lạm phát kép. Tức là trong lúc nền kinh tế chưa hồi phục, sản xuất vẫn suy giảm nhưng giá cả hàng hóa lại tăng cao khiến cho doanh nghiệp và người dân càng khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, một mặt Chính phủ có chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô, trước mắt sẽ không tăng giá điện, than trong năm nay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng lượng cung hàng hóa. Mặt khác, Nhà nước điều tiết bằng các chính sách tiền tệ như giảm lượng cung tiền thông qua việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc chấp hành và niêm yết giá; kiểm soát các hành vi lũng đoạn thị trường, buôn lậu và gian lận thương mại.

 Mai Hương

Đọc thêm