Chỉ số thiện nguyện

Chỉ số thiện nguyện quốc tế (World Giving Index, gọi tắt là WGI) đã được Quỹ hỗ trợ từ thiện Anh cùng Viện thăm dò Gallup (Mỹ) thực hiện và công bố.
Chỉ số thiện nguyện quốc tế (World Giving Index, gọi tắt là WGI) đã được Quỹ hỗ trợ từ thiện Anh cùng Viện thăm dò Gallup (Mỹ) thực hiện và công bố.

Ba câu hỏi được đưa ra để thăm dò ở 153 quốc gia trên thế giới: Bạn có đóng góp tiền cho từ thiện hay không? Bạn có dành thời gian làm công việc từ thiện tình nguyện hay không? Bạn có giúp đỡ người không quen biết nào không?

Việc lấy mẫu cũng được thực hiện rất công phu, thường từ 500-1.000 mẫu. Với những nước có dân số đông như Nga, Trung Quốc, số mẫu lên đến 2.000. Chỉ số được công bố cho chúng ta thêm nhiều suy nghĩ và thông tin thú vị.

Trước hết, chỉ số này có ý nghĩa xã hội rất lớn. Tiến sĩ John Low - Chủ nhiệm của báo cáo - cho biết: “Các nhà xã hội học cho rằng, việc dành thời gian và tiền bạc để tự nguyện giúp đỡ người khác là dấu hiệu cho thấy tính cố kết của xã hội”. Qua bảng xếp hạng, chúng ta thấy rằng, những nước phát triển thường có chỉ số cao. Điều này dễ hiểu vì ở những quốc gia này, người dân có điều kiện về tiền bạc và thời gian để làm từ thiện. Mặt khác, phúc lợi xã hội lớn, an sinh xã hội đầy đủ nên họ ít lo tích lũy cho tuổi già. Trong khi đó, ở những nước nghèo, người dân phải làm quần quật vẫn không đủ sống thì lấy đâu để giúp đỡ người khác. Hơn nữa, họ còn bị ám ảnh về tuổi già.

Nhưng qua chỉ số thiện nguyện, những nước xếp vị thứ cao nhất không phải là những nước giàu nhất. Chỉ số này phụ thuộc nhiều hơn vào GDH bình quân (GDH là tổng hạnh phúc quốc dân - theo cách nói của Quốc vương Nepal) hơn GDP bình quân. Sự sẵn sàng làm từ thiện tương ứng với mức độ hài lòng về cuộc sống hơn là sự giàu có. Điều này sẽ giúp lãnh đạo các nước nhìn lại khả năng phục vụ đất nước, nhân dân và mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền để từ đó điều chỉnh chính sách phát triển.
Một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… lại có chỉ số thiện nguyện thấp. Lý do về trình độ phát triển, an sinh xã hội và mức độ hài lòng với chính quyền không đủ cơ sở để giải thích, đặc biệt là đối với Trung Quốc, quốc gia có chỉ số thiện nguyện rất thấp, xếp gần cuối bảng (147/153). Vì vậy, có nhiều người cho đó là do văn hóa.

Trung Quốc không những có chỉ số thấp đáng buồn mà mới đây đã bị bẽ mặt vì một việc liên quan đến vấn đề thiện nguyện. Đó là việc các tỷ phú Trung Quốc từ chối bữa tiệc do Bill Gates và Warren Buffett tổ chức nhằm vận động “cam kết hiến tặng” tài sản như hơn 40 tỷ phú của Mỹ hứa tặng 125 tỷ USD từ 1/2 tài sản sau khi họ qua đời. Trung Quốc là nước có số lượng tỷ phú đông thứ hai trên thế giới nhưng chỉ có 2 người nhận lời tham gia, mặc dù các nhà tổ chức đã tiên lượng trước và trấn an rằng, không có ràng buộc cam kết nào mà chỉ dự tiệc để nghe giới thiệu về ý tưởng từ thiện mà thôi. Sự từ chối của các tỷ phú Trung Quốc đã làm cho 1 trong 2 tỷ phú đồng ý tham dự phải viết thư xin lỗi và “lấy làm hổ thẹn về những ông bạn nhà giàu của mình”.

Theo ông Lưu Á Châu - nhà văn và là một quan chức của Trung Quốc, văn hóa của quốc gia này mang màu sắc “văn hóa gia đình”. Người Trung Quốc luôn thấy mình tiếp tục tồn tại nơi con cháu, sự thành đạt của con cháu chính là sự thành đạt của họ. Vì thế, theo ông, “ở Trung Quốc, lương cao chưa chắc đã có thể nuôi dưỡng được sự liêm khiết”, với họ “bao nhiêu cũng không đủ vì họ luôn để dành tiền của lại cho con cháu. Điều này khác với phương Tây. Đây cũng là nguyên nhân hình thành văn hóa hối lộ trong quan trường Trung Quốc” và hạn chế người Trung Quốc làm từ thiện.

Nền văn hóa này liệu có tồn tại trong những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và góp phần vào việc làm cho chỉ số thiện nguyện của các nước này thấp?

Việt Nam có truyền thống nhân đạo nhưng vì sao chỉ số thiện nguyện lại thấp (vị thứ 138/153)? Nên nhớ vị trí về GDP/người, chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của nước ta cao hơn rất nhiều so với chỉ số thiện nguyện vừa công bố. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Một điều khác, những nước có chỉ số thiện nguyện cao thường gắn với một nền giáo dục khai phóng. Trẻ em ở những nước này có tính tự lập rất cao. Đủ 18 tuổi thì họ phải tự lập. Trong khi ở Việt Nam, giáo dục gia đình và nhà trường chưa tạo điều kiện để trẻ em có tính tự lập cao. Kiểu giáo dục như vậy vừa xuất phát từ nền “văn hóa gia đình”, vừa làm cho “văn hóa gia đình” phát triển đã góp phần triệt tiêu sự phát triển của ý thức cộng đồng. Đó cũng là nguyên nhân làm cho con người sống ích kỷ hơn.

Chỉ số thiện nguyện vừa công bố có ý nghĩa rất lớn giúp chúng ta nhìn lại xã hội và từ đó điều chỉnh những gì chưa thật sự thích hợp.

Lê Thí

Đọc thêm