Học sinh giỏi lớp 11, 12 được tuyển thẳng
Trường Đại học Luật, Đại học Huế là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về khoa học xã hội - nhân văn; tổ chức các dịch vụ pháp lý; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Năm 2021 Trường ĐH Luật, ĐH Huế (Mã trường: DHA) tuyển 900 chỉ tiêu hệ đại học chính quy (500 chỉ tiêu cho ngành Luật và 400 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế) với đa dạng nhiều phương thức xét tuyển.
|
Khẳng định vị thế và thương hiệu ĐH Luật (ĐH Huế) thông qua chất lượng đào tạo |
Có 4 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế hiện hành và xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Đồng thời, trường bổ sung thêm các tổ hợp môn xét tuyển mới là D66 (Ngữ văn, GDCD, Tiếng Anh) cho ngành Luật và C20 (Ngữ văn, Địa lý, GDCD) cho ngành Luật Kinh tế.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, Trường sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 3 học kỳ: Học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 để tính điểm xét tuyển. Điều kiện xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) các môn trong tổ hợp xét tuyển phải >=18.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2021 và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển, Trường Đại học Luật, Đại học Huế sẽ quyết định điểm trúng tuyển cho các ngành học.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được tuyển thẳng vào Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
|
ĐH Luật Huế đi lên cùng sự phát triển của đất nước |
Theo đề án Tuyển sinh, Nhà trường xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12; thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12; thí sinh có học lực loại khá trong cả 3 năm học THPT trở lên và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.
Ngoài ra, các thí sinh có học lực khá trong cả 3 năm học THPT trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ được tuyển thẳng nếu đáp ứng đủ điều kiện: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên đối với tiếng Anh; là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên đối với tiếng Pháp.
Chính sách học bổng hấp dẫn
Để khuyến khích sinh viên có thành tích học tập cao, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập và phát triển, Trường Đại học Luật Huế dành học bổng với giá trị lớn. Đồng thời cũng đa dạng các chính sách học bổng nhằm khích lệ năng lực học tập của mọi đối tương sinh viên.
Cụ thể, đối với thí sinh có kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trường trao tặng 30 triệu đồng cho thủ khoa, 20 triệu đồng cho á khoa và cấp học bổng tương đương 30 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm >=26, cấp tương đương 15 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm >=24.
Đặc biệt, thí sinh trúng tuyển thuộc diện ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của trường sẽ được nhận các mức học bổng từ 5 đến 20 triệu đồng tùy theo hình thức ưu tiên và tuyển thẳng.
Bên cạnh đó, sinh viên các khóa đang học tập trong nhà trường đều sẽ có cơ hội được nhận đa dạng quỹ học bổng như học bổng cho sinh viên đạt kết quả cao ở từng kỳ học, chương trình hỗ trợ gia đình chính sách, dân tộc thiểu số.
|
Sinh viên được giao lưu đá bóng |
Thời gian nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng từ 1/4/2021 đến hết ngày 30/5/2021. Kết quả xét tuyển sẽ được thông báo vào tháng 6/2021.
Trường cũng sẽ hỗ trợ 200 suất ở kí túc xá miễn phí trong 10 tháng cho các bạn tân sinh viên nhập học sớm và có nhu cầu. Ngoài ra, hàng loạt chính sách học bổng cũng được Nhà trường triển khai trong năm học này.
Sinh viên được nhiều trải nghiệm
Với mong muốn tạo ra một thế hệ sinh viên vững về lý thuyết, giỏi về kỹ năng, đảm bảo năng lực khi ra trường, cung cấp cho xã hội đội ngũ lao động chất lượng cao, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã đưa vào áp dụng chương trình đào tạo theo định hướng thực hành.
Theo đó, bắt đầu từ học kỳ 2 năm thứ nhất, sinh viên sẽ được cử đi học việc tại các cơ quan, tổ chức theo các vị trí việc làm được công bố trong chuẩn đầu ra của Nhà trường. Cụ thể, từ học kỳ 2 năm thứ nhất đến hết năm thứ tư, mỗi học kỳ sinh viên sẽ có 3 tháng đến học việc tại một đơn vị cụ thể và luân chuyển qua các đơn vị đến khi ra trường. Các đơn vị sinh viên sẽ đi học việc bao gồm: Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Văn phòng Luật sư/ Công ty Luật, Văn phòng Công chứng, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Các Doanh nghiệp, Ngân hàng...
|
Thầy trò trường ĐH Luật Huế ngoài giờ học nghiêm túc thì luôn gần gũi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống |
Mục tiêu hướng đến của Nhà trường, sau 4 năm học đại học, sinh viên sẽ được trải nghiệm công việc tại hầu hết các vị trí việc làm phù hợp với sinh viên sau khi ra trường. Việc làm quen và bước đầu thích nghi với các công việc, nghiệp vụ đặc thù tại các cơ quan thuộc các nhóm vị trí việc làm của sinh viên ngành Luật/ Luật Kinh tế sẽ giúp sinh viên hoà nhập tốt khi ra trường đi làm.
PGS.TS. Đoàn Đức Lương (Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: “Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh, không ít trường rơi vào khó khăn; do đó, vấn đề chất lượng đào tạo càng được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi và chỉ đạo cụ thể các mặt hoạt động để vừa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao về ngành nghề của xã hội, vừa phù hợp với năng lực đào tạo và phát triển vững chắc của nhà trường”.