Sáng 10/11, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào tổ chức Hội thảo trực tuyến Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ việc nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về Tư pháp Quốc tế của CHDCND Lào.
Đồng chủ trì Hội thảo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phomachan. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp của hai nước.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phomachan nói rất vinh dự được gặp gỡ, trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cùng các chuyên gia để trao đổi kinh nghiệm, bài học tham gia Hội nghị La Hay của Lào. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào cho biết, họ đã tổ chức nhiều Hội thảo tìm hiểu, nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay. Mỗi lần tổ chức Hội thảo đều có sự tham gia của các Bộ, ngành khác nhau của Lào.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phomachan. |
“Chúng tôi muốn trao đổi với chuyên gia của Việt Nam để làm sao để chúng tôi có thể đến gần với Hội nghị La Hay…”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phomachan nói và mong Việt Nam chia kinh nghiệm để Lào có thể gia nhập, ký kết hiệp ước nào đó của Hội nghị La Hay.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo để các đại biểu có thể chia sẻ, cho ý kiến hay đặt câu hỏi về vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ về khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về Tư pháp Quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói, ông có thể hình dung các công việc Lào đang làm, đang nghiên cứu với nhiều câu hỏi có thể chưa có câu trả lời đầy đủ, giống như Việt Nam đã làm cách đây 15 – 20 năm. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập Hội nghị La Hay về Tư pháp Quốc tế được 10 năm và đang tổng kết lại, đánh giá 10 năm gia nhập.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chia sẻ một số ý kiến. Theo Thứ trưởng, Lào và Việt Nam đều là những nước mở cửa hội nhập quốc tế và khu vực. Các giao dịch dân sự, thương mại, giao lưu đi lại xuyên biên giới của người dân Lào với nước ngoài gia tăng cùng với tốc độ mở cửa, hội nhập quốc tế đó. Sự phát triển trên mang theo các vấn đề pháp lý và tư pháp xuyên biên giới mà chúng ta hay được biết tới như quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, yếu tố quốc tế… Tất cả các vấn đề pháp lý và tư pháp này được gói lại trong khuôn khổ pháp luật về Tư pháp Quốc tế trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc. |
Do pháp luật các quốc gia về Tư pháp Quốc tế khác nhau nên dẫn đến có những xung đột nhất định về thẩm quyền và về pháp luật. Hội nghị La Hay về Tư pháp Quốc tế là tổ chức Quốc tế liên Chính phủ - nơi đàm phán, xây dựng, thông qua và quản lý các công ước, điều ước quốc tế khác nhau về các nội dung của Tư pháp Quốc tế. Hiện có khoảng 30 công ước và điều ước quốc tế khác nhau trong khuôn khổ Hội nghị này. Khác với gia nhập WTO, việc tham gia Hội nghị không đương nhiên là tham gia các công ước, điều ước quốc tế của Hội nghị. Đối với mỗi công ước có quy trình gia nhập riêng và mỗi quốc gia tự quyết định việc gia nhập.
Như vậy, lợi ích rõ ràng của tham gia Hội nghị là được tiếp cận tới các khuôn khổ hợp tác về Tư pháp Quốc tế, được tham gia đàm phán, xây dựng các điều ước quốc tế mới về Tư pháp Quốc tế. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi khi quyết định tham gia các công ước cụ thể cũng như xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong nước về Tư pháp Quốc tế.
“Việc tham gia bất kỳ tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế nào cũng đều có cơ hội và thách thức đan xen nhau. Điều quan trọng là mỗi quốc gia đều phải đưa ra sự lựa chọn, quyết định phù hợp với các mục tiêu, điều kiện, hoàn cảnh của mình và khi quyết định tham gia thì phải sẵn sàng và làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là con người và điều kiện khác để khai thác, tận dụng các cơ hội”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ.
Tại Hội nghị, các chuyên gia của Việt Nam đã chia sẻ quá trình chuẩn bị, tham gia Hội nghị La Hay; ký một số công ước: Công ước thu thập chứng cứ, Công ước tống đạt; đang nghiên cứu một số công ước để gia nhập: Công ước 1996 về bảo vệ trẻ em của Hội nghị La Hay với Lào…/.