Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 |
Kế hoạch tiến công Việt Bắc do tướng Xalăng (Salai)- Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương soạn thảo, được Chính phủ Pháp thông qua đầu tháng 7/1947, dự kiến chia thành 2 bước.
Bước 1 mang tên Lêa (Léa), dùng 2 gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc, trọng tâm là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới, triển khai cụ thể như sau: Ngày 7/10, cho quân dù đổ bộ chiếm Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn; cánh quân hướng đông từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, vòng xuống Bắc Kạn phối hợp với quân dù, hình thành gọng kìm thứ nhất (dài 420km); cánh quân hướng tây theo đường thủy, ngược sông Lô, sông Gâm lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa là gọng kìm thứ hai (270km); ngày 13/10, hai gọng kìm sẽ khép lại ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hóa, dài 12km).
Bước 2 mang tên Clôclô (Cloclo), tập trung càn quét khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới và tây đường 3, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm, dự kiến ngày 14/10 đánh chiếm huyện lị Định Hóa, đồng thời cho quân nhảy dù chặn tuyến giao thông Chợ Chu - Thái Nguyên, sau đó tùy tình hình sẽ tiến hành càn quét trong khu vực.
Bộ Chỉ huy quân đội Pháp dự định thời gian thực hiện kế hoạch là 3 tháng; sử dụng hơn 10.000 quân (lúc đầu dự kiến 20.000 quân), gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 phi đội máy bay (40 chiếc), 3 thủy đội (40 tàu, xuồng), ngoài ra còn có các tiểu đoàn dù tập kết ở sân bay Gia Lâm và Cát Bi, sẵn sàng đổ bộ xuống nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Về phía ta, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư nhận định: Thu đông 1947, địch sẽ mở những cuộc hành binh lớn, chiến trường chính là Bắc bộ; hướng tiến công có thể là đồng bằng Bắc bộ, Việt Bắc hay Khu 4. Để đối phó với cuộc tiến công của địch, hội nghị chủ trương ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch nhưng phải giữ gìn bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ nhưng không cố thủ; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, đồng thời tùy khả năng, tập trung bộ đội chủ lực đánh vận động.
Ngày 4/10, Bộ Tổng chỉ huy giao nhiệm vụ tác chiến cho các khu trong cả hai trường hợp, địch càn quét vùng đồng bằng hoặc đánh lên Việt Bắc; dự kiến nếu địch tiến công Việt Bắc, hướng chính sẽ từ Phúc Yên lên Thái Nguyên, từ Vĩnh Yên lên Tuyên Quang. Lực lượng ta trên địa bàn chiến dịch có 7 trung đoàn bộ binh (18 tiểu đoàn) của Bộ và các khu 1, 12, 10; 30 đại đội độc lập và dân quân du kích tập trung của 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; hỏa lực có 4 pháo 75mm và 70mm, 10 súng máy phòng không các loại. Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng. Sở Chỉ huy cơ bản đặt ở Yên Thông, từ ngày 20/10 chuyển sang Tràng Xá (Thái Nguyên), đến cuối tháng 11/1947 chuyển về Lục Rã, Quảng Nạp (Thái Nguyên).
Chỉ đạo tác chiến |
Chiến dịch được chia thành hai đợt. Đợt 1 (7/10 - 20/11) thực hiện kế hoạch bước 1 (hành quân Lêa), từ 20/9, quân Pháp mở cuộc tiến công nghi binh, kiềm chế trên hướng tây bắc Bắc bộ: đánh chiếm Bát Xát, Sa Pa, Cam Đường (Lào Cai); Than Uyên, Nghĩa Lộ (Yên Bái)...; sáng 7/10 bắt đầu tiến công lên Việt Bắc. Cánh quân dù do Trung tá Sôvanhăc (Suvagnac) chỉ huy, đổ bộ xuống thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới; ngày 8/10 nhảy dù chiếm Chợ Đồn; ngày 9/10 đổ bộ 1 tiểu đoàn xuống thị xã Cao Bằng.
Trên hướng đông, ngày 7/10 Binh đoàn B gồm bộ binh và cơ giới, do Đại tá Bôphơrê (Beaufre) chỉ huy, từ Lạng Sơn tiến theo đường 4, bị lực lượng ta ngăn chặn, ngày 10/10 mới tới Thất Khê, ngày 12/10 tới thị xã Cao Bằng; một bộ phận được phái xuống Bắc Kạn hỗ trợ cho quân dù.
Trên hướng tây, ngày 9/10 Binh đoàn C gồm bộ binh và lính thủy đánh bộ, do Đại tá Commuynan (Communal) chỉ huy, ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, bị vướng kè của ta ở Sóc Đăng và bị chặn đánh ở Bình Ca, ngày 13/10 mới tới thị xã Tuyên Quang.
Do không dự kiến đúng hướng tiến công của địch nên lúc đầu ta bất ngờ, bị động đối phó, một số nơi bị tổn thất. Ngày 13/10, Bộ Tổng chỉ huy nhận được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của địch, do Trung đoàn 74 thu được từ chiếc máy bay Junker 52, Toucan (Ju52) chở đoàn sĩ quan tham mưu chiến dịch của địch đi thị sát chiến trường, trong đó có Đại tá Lambe (Lambert) Phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương, bị ta bắn rơi ở Cao Bằng ngày 9/10.
Qua nghiên cứu kế hoạch của địch, Bộ Tổng chỉ huy quyết định điều chỉnh phương án tác chiến, tổ chức lại lực lượng: đưa các đại đội độc lập về các địa phương phát động chiến tranh du kích rộng khắp, sử dụng hình thức tác chiến chủ yếu là đánh phục kích để tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân cơ động của địch, phối hợp và tạo điều kiện cho các tiểu đoàn tập trung đánh những trận vừa và lớn; lập 3 mặt trận: sông Lô - đường 2, Bắc Kạn - đường 3, đường 4; đánh mạnh ở sông Lô và đường 4, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của địch.
Cán bộ Phòng Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu ở Chiến khu Việt Bắc năm 1947 |
Trên mặt trận sông Lô - đường 2, tự vệ và công an thị xã Tuyên Quang đánh 2 trận phục kích bằng địa lôi (22/10 và 19/11) ở km7 và km6 đường Tuyên Quang - Hà Giang, diệt hàng trăm tên địch; pháo binh thực hiện “đặt gần, bắn thẳng”, đánh nhiều trận phục kích đường sông xuất sắc ở Khoan Bộ (23/10), Đoan Hùng (24/10), Khe Lau (10/11), bắn chìm, bắn hỏng 10 tàu, diệt nhiều địch.
Trên mặt trận đường số 4, ngày 30/10 Trung đoàn 11 tổ chức trận phục kích quy mô tiểu đoàn giao cho Tiểu đoàn 374 thực hiện ở đoạn Bản Sao - đèo Bông Lau đạt hiệu suất chiến đấu cao, phá hủy 27 xe, diệt và bắt 200 quân địch, làm tê liệt tuyến vận chuyển của địch nhiều ngày...
Sau một tháng hành binh gặp nhiều khó khăn, lực lượng bị dàn mỏng, hai cánh quân Bôphrê và Commuynan đều bị tổn thất và không hội quân được ở Đài Thị theo đúng kế hoạch, địch rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải rút lui cục bộ khỏi hàng loạt vị trí ở Bản Thi, Yên Thịnh (28/10), Chợ Đồn (13/11), Chợ Rã, Ngân Sơn (16/11), co về hai thị xã Bắc Kạn và Tuyên Quang.
Đợt 2 (21/11-20/12), sau khi kế hoạch bước 1 (hành quân Lêa) phá sản, quân Pháp chuyển sang bước 2 trong tình thế bị động, không thể thực hiện được kế hoạch Clôclô như dự kiến mà phải điều chỉnh kế hoạch mới mang tên Xanhtuya (Centure - siết chặt vành đai) với nội dung: chuyển hướng từ tây bắc xuống đông nam, tập trung càn quét vùng tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên -Việt Trì - Phủ Lạng Thương, vừa tiếp tục lùng sục cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta, vừa chuẩn bị cho việc lui quân.
Đêm 21 rạng sáng 22/11, Binh đoàn Commuynan bí mật rút khỏi thị xã Tuyên Quang, qua Bình Ca, Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Thiện Kế (Vĩnh Yên); một bộ phận vượt Đèo Khế sang Văn Lãng bắt liên lạc với cánh quân Bôphrê từ Chợ Mới (Bắc Kạn) rút về, phối hợp với một đơn vị quân dù nhảy xuống Cù Vân, La Hiên, Tràng Xá. Đồng thời địch còn điều Trung đoàn Marốc 5 (5eRTM) từ Hòa Bình ra càn quét Hưng Hóa, đánh chiếm Việt Trì, tạo bàn đạp và yểm trợ cho cuộc rút lui.
Về phía ta, từ trung tuần tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho các mặt trận bố trí lại lực lượng, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Tuy nhiên, do không bám sát địch, ta bỏ lỡ cơ hội đánh tiêu diệt, chỉ thực hiện được một số trận nhỏ, đáng kể là các trận phục kích ở Đèo Khế, La Hoàng, Phan Lương (Tuyên Quang); quán Ông Già (Thái Nguyên); đèo Giàng, tập kích địch ở Phủ Thông (Bắc Kạn)...
Phối hợp với chiến trường Việt Bắc, quân và dân các địa phương trên cả nước đẩy mạnh các hoạt động tiến công, quấy rối trong vùng địch tạm chiếm, đồng thời đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại và mở rộng đánh chiếm ra vùng tự do của địch khiến quân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bị thiệt hại nặng nề và phải căng mỏng lực lượng để đối phó. Ngày 19/12, quân Pháp rút phần lớn lực lượng khỏi Việt Bắc, chỉ còn lực lượng ở hai thị xã Bắc Kạn, Cao Bằng và một số vị trí dọc đường 4, đường 3, kết thúc cuộc hành quân.
Chiến dịch phản công Việt Bắc giành thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược, ta đã loại khỏi vòng chiến trên 7.200 tên địch, bắn rơi 18 máy bay, đánh chìm 54 tàu, xuồng, phá hủy 255 xe các loại, thu 25 khẩu pháo (20-105mm), hơn 2.000 súng bộ binh; ta hy sinh 260, bị thương 168 cán bộ, chiến sĩ.
Đây là chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù còn hạn chế về công tác nắm địch, thiếu kinh nghiệm đánh truy kích, vũ khí trang bị kém... dẫn đến hiệu quả chiến đấu không cao, còn bị tổn thất khá lớn về người và kho tàng, nhưng chiến dịch đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, lần đầu tiên quân đội ta vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “tiến công trong phản công trên địa hình rừng núi”.