Việt Bắc, quê hương của Cách mạng Tháng Tám được chọn làm căn cứ địa của cả nước. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, có khả năng cơ động cao như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”.
Không những thế, rừng núi hiểm trở rộng lớn có thể che mắt và cản trở hoạt động của địch, tạo thuận lợi cho hoạt động của ta. Việt Bắc lại là vùng kinh tế tự cấp, tự túc khá phong phú với nguồn lương thực, thực phẩm trong nhân dân, với rau, măng trên rừng, súng kịp tự đúc rèn, có thể giúp lực lượng ta tồn tại và phát triển.
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc Việt Bắc có truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, có tinh thần cách mạng cao, một lòng theo Đảng, được rèn luyện qua thời kì trước Cách mạng Tháng Tám, sẵn sàng và kiên quyết kháng chiến.
Hồ Chủ tịch với các cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ ở căn cứ địa Việt Bắc |
Nhìn xa thấy rộng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ khác ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Cuối tháng 10/1946, Người lại cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc làm công tác chuẩn bị và khoảng nửa đầu tháng 11, Trung ương Đảng thành lập Đội công tác đặc biệt gồm đại diện các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể, giao đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách.
Tham mưu Cục cử một đoàn cán bộ tham gia với phái đoàn của Trung ương. Đội công tác đặc biệt nghiên cứu đường di chuyển, vị trí đặt cơ quan và cùng các ngành hữu quan tổ chức di chuyển cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, kho tàng, xí nghiệp của Nhà nước lên Việt Bắc theo tuyến Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang…
Đội phối hợp với cấp ủy địa phương xác định phương án xây dựng căn cứ về mọi mặt, cơ sở chính trị khu vực đóng quân, bảo đảm thông tin liên lạc, thông tin chỉ huy, phát thanh, dự trữ các kho lương thực, thực phẩm, xây dựng cơ sở tài chính và địa điểm các nhà máy, kho tàng, cơ sở kỹ thuật...; phát động toàn dân tham gia kháng chiến, tổ chức bảo vệ căn cứ, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất tự cấp tự túc...
Trong nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, việc bảo đảm an toàn cho bộ máy đầu não lãnh đạo kháng chiến được đặt lên hàng đầu. Từ kinh nghiệm bảo vệ cán bộ cơ quan trong thời kì bí mật, ta chủ trương xây dựng các an toàn khu, gọi tắt là ATK, làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi ATK đều có hai đến ba vị trí dự bị.
Địa bàn các huyện Định Hoá, Chợ Đồn, Đại Từ tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang được chọn là nơi xây dựng ATK. Vùng này có địa thế hiểm trở “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Chiêm Hoá và Sơn Dương, núi rừng hiểm trở; Sơn Dương có Tân Trào vốn là Thủ đô Cách mạng Tháng Tám. Dãy núi Pia Oóc, các cánh cung Bắc Sơn, Sông Gâm là những bức tường thành che chở các ATK.
Nằm sâu trong các khu rừng hoặc ẩn náu trong những thung lũng, ATK vừa có điều kiện sản xuất tự cấp vừa có thể giữ được bí mật. Từ ATK lại có mạng lưới đường, đặc biệt các đường mòn, hẻm toả đi các huyện và tỉnh khác, tiện cho việc tiếp tế, cơ động, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng chuyển đến các địa phương.
Khi đoàn cán bộ lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng tìm cách chuyển 20.000 tấn muối ở kho Văn Lý - Nam Định lên Việt Bắc và Tây Bắc. Cục Quân nhu-Bộ Quốc phòng theo tinh thần trên đã chuyển trên 400 tấn muối, hai triệu rưỡi mét vải, 3.000 bao tải bông và nhiều tấn sợi lên khu căn cứ.
Đợt tổng di chuyển đầu tiên đã đưa lên căn cứ địa Việt Bắc gần 40.000 tấn máy móc, nhờ vậy mà xây dựng được 57 cơ sở sản xuất khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Về tài chính, ta đã đưa được kho bạc từ Hà Nội ra Chi Nê, sau đó lên Đầm Hồng, Bản Thi - Chiêm Hoá an toàn.
Ngoài căn cứ địa của Trung ương ở Việt Bắc, mỗi khu cũng nhận được chỉ thị của Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy xây dựng từ một đến hai ATK của mình để chỉ đạo công cuộc kháng chiến lâu dài. Do vậy, khi cuộc kháng chiến lan rộng, các khu đều tạo được chỗ đứng chân ngay từ đầu. Khu 2 có Đầm Đa, Chi Nê. Khu 3 có Kiến An. Thanh – Nghệ - Tĩnh của Khu 4 là hậu phương vững chắc của kháng chiến được củng cố xây dựng từ sớm.
Bình –Trị - Thiên có vùng rừng núi Tây Đất Đỏ, Lương Miêu, Khe Me, Ba Lòng hiểm trở. Khu 5 có vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú. Nam bộ đồng bằng bao la, có “núi người”, “rừng người” cũng xây dựng được căn cứ ở nhiều nơi. Tân Uyên của Khu 7 với cánh rừng già, ruộng mía chạy dọc sông Đồng Nai. Bưng biền Đồng Tháp nổi tiếng của Khu 8. Khu 9 đặt căn cứ ở rừng chàm, rừng đước U Minh hiểm trở và Sài Gòn - Gia Định tổ chức căn cứ ngay sát cửa ngõ của thành phố...
Bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc |
Tối 19/12/1946, vài giờ trước khi pháo lệnh toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Thủ đô, cơ quan Tham mưu Cục rời ấp Thái Hà, hành quân về hướng thị xã Hà Đông - Mai Lĩnh - Chương Mỹ, cùng toàn quân và toàn dân bước vào kháng chiến.
Phòng Thông tin liên lạc nhanh chóng mở rộng và nối liền mạng thông tin điện thoại với các chiến khu và cả với mạng điện thoại mới được triển khai trên căn cứ địa Việt Bắc. Để chuẩn bị cho kháng chiến, hội nghị các Trưởng ban Thông tin từ Trị - Thiên trở ra được triệu tập, thống nhất lần cuối cùng những quy ước về làn sóng, giờ thu, phát và cách làm việc giữa đài trung ương và đài địa phương, khi Tham mưu Cục còn ở Hà Nội cũng như trong quá trình di chuyển lên căn cứ.
Phòng Thông tin liên lạc còn giúp Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam di chuyển gấp những máy dự bị và những bộ phận cơ khí chính ra ngoài thành phố, bảo đảm cho Đài hoạt động liên tục ngay từ những ngày đầu kháng chiến.
Sáng 20/12, sau khi đi kiểm tra tình hình chiến sự một số khu vực ở Hà Nội, thăm bộ đội ta ở Pháo đài Láng, Tổng tham mưu trưởng (TTMT) Hoàng Văn Thái trở về thì những bộ phận cuối cùng của cơ quan cũng từ Đại Mỗ, Tây Mỗ di chuyển đến địa bàn Chương Mỹ. TTMT chỉ thị cho cơ quan ở gần nhau, nhất là các bộ phận cơ yếu, tác chiến, tình báo phải ở gần thủ trưởng để tiện làm việc. Ngoài ra, phải bàn với cấp ủy địa phương lãnh đạo nhân dân hết sức giữ bí mật cho cơ quan, nhất là lúc đến và lúc đi.
Trong quá trình di chuyển, Tham mưu Cục vẫn liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến các mặt trận, đặc biệt là cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã, bảo đảm thông tin liên lạc không bị gián đoạn, phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy.
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tham mưu Cục đã chuyển thành công, bảo đảm an toàn hai chiếc máy bay kiểu “Vi-ra” và “Mo-ran” thu của Bảo Đại, đưa lên căn cứ để có thể sử dụng sau này. Món hàng đặc biệt này được tháo dời, khi xếp lên xe bò, khi trên thuyền, rong ruổi nhiều ngày, cuối cùng được đưa tới núi Hang Hùm giữa ngã ba cây số 5 và đường đi Bình Ca. Với hai chiếc máy bay này, vào những năm 1949 -1950, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức ra Ban Nghiên cứu Không quân, tiền thân của Quân chủng Không quân nhân dân ngày nay.
Sau khi bộ đội ta rút khỏi các thành phố, địch có thêm viện binh nên chúng đã đánh chiếm và kiểm soát khu vực Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình, Ninh Bình - Phát Diệm; củng cố đường số 5, kiểm soát đường số 1, đường sông Hồng. Hàng ngày địch dùng xe tăng, cơ giới đánh rộng ra ngoài các thành phố, kết hợp với việc lùng sục cơ quan lãnh đạo kháng chiến trên đường di chuyển. Bất kỳ một bộ phận nào thuộc cơ quan Trung ương của ta di chuyển cũng là mục tiêu lùng sục của chúng.
Trong cuộc hành quân của các cơ quan Trung ương, Bộ Tổng chỉ huy và Tham mưu Cục đã luôn luôn có kế hoạch nghi binh. Trong lúc địch chú trọng hướng tây nam Hà Nội thì cơ quan Đảng và Nhà nước đang “thiên đô” lên hướng tây bắc và cứ như thế hết nghi binh này đến nghi binh khác.
Vững chân bước vào cuộc trường chinh
Trải qua gần ba tháng vừa di chuyển cơ quan vừa bám sát diễn biến của chiến trường, cuối tháng 4/1947 cơ quan Tham mưu Cục đã đến vị trí tập kết cuối cùng và củng cố bộ máy làm việc...
Công việc đầu tiên mà Tham mưu Cục phải quan tâm là xây dựng và tổ chức bảo vệ cơ quan Đảng và Chính phủ, từ việc xây dựng nhà cửa, đào hầm hố tránh máy bay đến việc tổ chức canh gác. Cán bộ, nhân viên cơ quan thấm thía lời dạy qua mấy câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn địa điểm để xây dựng: “Trên có núi, dưới có sông - có đất ta trồng, có bãi ta chơi - tiện đường sang Bộ Tổng - thuận lối tới Trung ương - nhà thoáng, ráo, kín mái - gần dân không gần đường”.
Người dạy phải dựa vào dân để được dân che chở, đùm bọc; phải xa đường để tránh con mắt tò mò của kẻ xấu; dựa vào địa hình có núi, có sông, làm cho cuộc sống gần gũi với thiên nhiên; lại cần có đất tăng gia, trồng trọt để cải thiện đời sống. Kháng chiến lâu dài, có bãi vui chơi luyện tập để tăng cường sức khoẻ; mọi việc lãnh đạo kháng chiến phải được bàn bạc với tập thể Trung ương để chỉ đạo hoạt động của Bộ Tổng chỉ huy, nên nơi ở của các cơ quan phải tiện và thuận lợi...
Trong cuộc ra đi rời Thủ đô yêu dấu, cán bộ cơ quan Tham mưu cũng như rất nhiều người khác lên đường mà không hề nghĩ rằng đây là chặng đường đầu tiên của cuộc “thiên đô” lên Việt Bắc, càng không nghĩ rằng đêm ấy mở đầu cho cuộc trường chinh kéo dài 8-9 năm…