Thông tin Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, trong đó với thể thao thành tích cao, các môn Olympic và một phần của thể thao châu lục (Asiad) được trả lại vị trí số 1 làm nức lòng người làm thể thao nước nhà. Kể từ đây, thể thao đỉnh cao Việt Nam không còn cảnh chưa ra trận đã lo khâu trọng tài, hay cầu viện sự may mắn trong bốc thăm thi đấu. Đặc biệt, mục tiêu HCV cũng như vị thế của thể thao Việt Nam sát thực tế hơn.
|
Bắn cung- một trong những môn thể thao cơ bản sẽ được chú trọng đầu tư Ảnh: Duy Thính |
Không phải thời điểm này người làm thể thao Việt Nam mới ước mơ có chiến lược phát triển mới, mà họ mong ước điều này từ lâu. Hội nghị bàn về chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao tổ chức ở Hải Phòng 5 năm trước chỉ rõ các môn thể thao cơ bản Olympic như điền kinh, bơi, thể dục, vật, bắn súng, bắn cung, cử tạ… phải trở thành nhóm thể thao trọng điểm số 1, được đầu tư lớn nhất. Bởi, đoạt tấm huy chương của các môn này là niềm tự hào vô hạn, VĐV mạnh thực sự là vượt qua tất cả, không phải chờ đợi vào may rủi. Nhưng thời điểm đưa ra chiến lược ấy không phù hợp bởi thể thao Việt Nam đang trong quá trình đi tắt đón đầu, đang lên ngôi nhất nhì khu vực nhờ những môn thể thao không cơ bản như wushu, lặn, cầu mây…
Chính vì “hà tiện” trong đầu tư cho môn thể thao cơ bản, chỉ chú trọng đầu tư các môn được xếp loại 1 như wushu, cầu mây, billiards… vốn luôn đoạt HCV thế giới khiến thể thao Việt Nam đánh mất vị trí ở Asiad 16. Các môn này không hoàn thành chỉ tiêu HCV, trong khi đó các môn Olympic lại tạo ra những điều bất ngờ. Thất bại tại Asiad 16 đã giúp thể thao Việt Nam có chiến lược phát triển mới, đúng mục đích và ý nghĩa của Olympic.
Lớp cán bộ thể thao hôm nay thỏa nỗi ước mong khi các môn thể thao cơ bản được trở lại vị trí số 1 trong đầu tư trọng điểm của mình. Đề án do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Khoa học TDTT thực hiện mấy năm qua chính thức được Chính phủ phê duyệt. Theo đề án, nhóm môn trọng điểm loại 1 có 10 môn gồm: điền kinh, bơi, cử tạ, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng. Các môn wushu, lặn, cầu mây, billiards… bị loại khỏi môn trọng điểm.
Mục tiêu của đề án có nhiều thay đổi, con đường để thể thao Việt Nam tiến lên là đạt thành tích tốt hơn tại Asiad và Olympic thay vì đặt mục tiêu tại SEA Games. Cụ thể, từ nay đến đến năm 2020, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu tốp 3 SEA Games, phấn đấu đạt vị trí 14 đến 12 tại Asiad 18 (năm 2019), phấn đấu có 45 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại để có mặt tại Olympic và có huy chương, khác với chiến lược cũ phấn đấu nhất ở SEA Games 2019.
Với những chiếc HCB ở những môn Olympic như điền kinh (3 HCB), đua thuyền, bắn súng, vật (cùng 2 HCB) ở Asiad 16 cho thể thao Việt Nam một sự tiến bộ, một niềm tin cần sự đầu tư quyết liệt để thể thao Việt Nam có hướng tuyển chọn tiêu chuẩn, hướng tới đổi màu từ huy chương bạc thành vàng. Chiến lược mới, đầu tư lớn cho các môn thể thao cơ bản Olympic, tới đây thể thao Việt Nam sẽ có nhiều hơn Nguyễn Hữu Việt (bơi), Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện (điền kinh)… Khi đã là trọng điểm số 1, các môn trên không chỉ được đầu tư lớn mà VĐV còn được nhiều chuyến đi tập huấn nước ngoài, được thi đấu nhiều giải quốc tế để trải nghiệm và vươn lên, thoát cảnh “đóng băng” chỉ tập ở nhà rồi ra sân chơi quốc tế cứ ngẩn ngơ để rồi thua cuộc.
Trần Long