Chiều 30 Tết...

(ĐNĐT) - Cái Tết nào chả giống cái Tết nào? Có lẽ thế nhưng cũng không phải thế. Cảm xúc cứ ngập tràn với những suy tư đan xen cùng những nụ cười; những dáng người vội vã, tụi nhỏ líu lo; đi khắp phố để tìm một đám khói của nồi bánh chưng nhà ai đó chưa quên nếp xưa, tục cũ nhưng bất lực; nhìn thấy cái cười thảng thốt của vợ khi chưa Tết mà cô ấy đã tính chuyện tiền nong, chi tiêu ngày giáp hạt; buồn, vì mình đã già quá mất rồi…

(ĐNĐT) - Cái Tết nào chả giống cái Tết nào? Có lẽ thế nhưng cũng không phải thế. Cảm xúc cứ ngập tràn với những suy tư đan xen cùng những nụ cười; những dáng người vội vã, tụi nhỏ líu lo; đi khắp phố để tìm một đám khói của nồi bánh chưng nhà ai đó chưa quên nếp xưa, tục cũ nhưng bất lực; nhìn thấy cái cười thảng thốt của vợ khi chưa Tết mà cô ấy đã tính chuyện tiền nong, chi tiêu ngày giáp hạt; buồn, vì mình đã già quá mất rồi…

Tất cả cứ trộn lẫn vào nhau như một ly cocktail không thể xác định rõ hương vị nào là chủ đạo. Đó là Tết.

"... đi khắp phố để tìm một đám khói của nồi bánh chưng nhà ai đó chưa quên nếp xưa, tục cũ nhưng bất lực..." (Ảnh Internet)
"... đi khắp phố để tìm một đám khói của nồi bánh chưng nhà ai đó chưa quên nếp xưa, tục cũ nhưng bất lực..." (Ảnh Internet)

Nhưng, hình như tôi đã sai. Vẫn có cái âm hưởng đặc thù của ngày Tết tỉnh lẻ, nơi tôi đang đón nó: một thành phố vừa mới có tấm biển là mới, còn tất thảy vẫn cũ mèm như thuở nào, khi chưa là thành phố!

Ngạc nhiên vì xe ca hầu như không chạy nữa, nhưng dọc đường tôi lang thang vẫn gặp vài cô gái đứng chờ xe. Có khi thấy một người thẫn thờ đượm vẻ hốt hoảng, có khi lại thấy hai cô đứng với nhau có vẻ tự tin thái quá bởi không che nổi nỗi buồn.

Tôi hỏi: “Hết xe rồi, sao các cháu về muộn vậy?” “Dạ. Chủ bắt làm cả tối, cả sáng, giờ mới được nghỉ chú à”. Tôi hiểu. Hoặc giả như là cố tình để sắp hiểu. Chỉ có những cô gái phục vụ ở quán bar hoặc karraoke mới về muộn thế, mới không đủ nhút nhát để khóc khi tầm này vẫn đứng bơ vơ trên đường. Cũng như mọi lẽ đời khác, tôi cứ nhìn, cứ hỏi theo cách của kẻ lắm chuyện, rỗi hơi, rồi bất lực mà thôi; bởi chẳng thể nào giúp được. Một chuyến xe về tận xứ Bắc xa xôi?…

Hoa nhiều vô kể, nhưng đào thì héo, còn mai thì nở rã hết hoa rồi. Cuộc đời vẫn thế. Mấy ngày trước Tết, đào không chịu được nóng nên co ro, thui chột hết các nụ hoa, còn mai thì cứ như bị doping, đua nhau toe toe hết cỡ các sự mỉa mai người trồng, người bán. Xem ra mới biết ngay cả ông trời cũng bất công: Tại sao cứ phân biệt hoa đào xứ Bắc và hoa mai xứ Nam để lúc gặp nắng nóng cả hai đều dở khóc, dở cười?

 

“Em ở trong này không có mùa Đông”, còn anh thì chẳng thể biết được thế nào là cái nóng dữ dằn của miền Trung dẫu chưa có gió Lào quạt lửa.

Một gánh rau khoai vừa đầy, vừa non băng qua đường. Tôi giảm tốc độ theo quán tính vì muốn mua. Ba ngàn đồng một bó rõ to. Rẻ đến bất ngờ. Tôi buột miệng: “Sao rẻ thế”? Vài ba người trừng mắt. Tôi cười, nhìn chị nông dân mồ hôi nhễ nhại, vừa quạt lấy quạt để bằng cái nón cũ, vừa thở, nói: “Năm nay nhuận nên dịp Tết rau khoai tươi non nhiều lắm. Đó là nhà em đã tăng giá thêm một ngàn hơn hôm qua, đỏ”. À ra vậy. Tôi nhẩm tính gánh rau khoai này phải cắt từ vài chục luống khoai, chưa tới 100.000 đồng, tức là chỉ bằng 1/5 chai “ông già chống gậy màu đen”.

Vừa lúc đó, hai cô thanh nữ rõ xinh sà tới trên hai chiếc xe đạp cà tàng. Sau lưng mỗi cô là một bao tải cỏ căng phồng. Cỏ xanh như rau khoai và nhiều như sự vất vả trên cuộc đời này. Một trong hai cô gái cười thật tươi: “Em chào thầy ạ”. Tôi ngỡ ngàng. “Dạ, em là sinh viên K33 (năm thứ nhất) về quê ăn Tết, em tranh thủ giúp mấy đứa em cắt cỏ cho bò”.

Đến lúc đó tôi mới thấy cái đầu “nhà báo” nghiệp dư vẫn non choẹt dẫu trên cái cổ đã là hai thứ tóc: Hai cô gái chở cỏ tươi trên chiếc xe đạp đều mặc áo màu sáng. Hình như mặc như thế để ngầm định với mọi người rằng họ chỉ là nông dân một nửa mà thôi. Một chút se lòng nhưng tâm trạng ấy thoảng qua còn nhanh hơn cả tiếng gió rít từ những chiếc xe máy đang hối hả dọc đường. Chợt nhớ câu của Mạnh Tử: “Đừng tin lắm ở những người có học. Họ nói vậy nhưng đa phần đều làm theo ý thích của mình”. Tôi thì cũng thế thôi. Thông cảm với vài mảnh đời. Rồi, thở dài. Rồi, im lặng.

“Thương” (!) những người bán hoa ế, mất mùa, khi ai ai cũng bị eo hẹp đồng tiền. Vậy mà, vẫn cố tình phóng xe rong ruổi để tìm hoa rẻ và… mua! Hình như cuộc đời vẫn thế. Nghĩ vậy tôi thử làm một cuộc khảo sát nhanh theo cách các nhà xã hội học vẫn làm: Đếm và ước tính tất cả những nụ cười tôi bắt gặp trên đường, theo sự phân loại của riêng tôi.

Thống kê nhanh cho một kết quả không bất ngờ. Hơn 70% những người trên các xe biển số xanh đều có sự thư thái nhẹ nhàng. Còn 99% những người đi xe đạp chẳng ai cười. Những người đi xe máy: Cứ nhìn những chậu hoa, cành hoa mà họ chở hay cầm theo thì đủ để phân định được mức thu nhập và khả năng sắm Tết. Nghe nói chỉ một cặp dưa hấu hình thỏi vàng đã nhiều gấp vài lần cái Tết của người nghèo (5-6 triệu đồng). Tôi là nghèo hay giàu khi vẫn đang cố tình tìm để “chặt” người bán hoa thất cơ lỡ vận?

 

Đang viết những dòng này sau khi đã đi, đã nhìn và đã thấy chán chê thì con gái điện về: “Ba ơi, hoa thược dược hôm qua mỗi chậu 70.000 đồng, bây giờ chỉ 20.000 đồng thôi, có mua không”?...

Hà Văn Thịnh

Đọc thêm