Hàng chục gia đình có người thân trên tàu Vân Đồn 02 vẫn nín thở chờ tin may mắn. Tuy nhiên, cho đến đêm qua, vẫn chưa có thêm thông tin về 12 thuyền viên còn lại. Nỗ lực cứu hộ vẫn được tiếp tục. Vào khoảng 2 giờ 45 phút sáng ngày 28-12, tàu Vân Đồn 02 chở hơn 6.000 tấn phôi thép từ Kemanman (Malaysia) về Việt Nam cùng 23 thuyền viên đã gặp nạn tại tọa độ 07-19.4N 105 - 16.5E khu vực Nam biển Đông.11 thuyền viên đã được cứu Ông Đỗ Triệu Quang - Giám đốc Công ty CP Vận tải biển và XNK Quảng Ninh (số 9 Bến Đoan, Hạ Long, Quảng Ninh) xác nhận thông tin trên và cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông tin, hệ thống Đài thông tin Duyên hải đã thông báo đến Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC), đồng thời tiến hành gọi tàu bằng phương thức gọi chọn số, qua Inmarsat-C, song đều không nhận được phản hồi từ tàu bị nạn. Hệ thống đã thực hiện phát quảng bá trên các phương tiện thông tin tới các tàu thuyền tại khu vực trên biết để hỗ trợ tìm kiếm, cứu tàu bị nạn. Đến 6 giờ 13 phút cùng ngày tàu Vân Đồn 02 đã chìm, khi đó trên tàu có 23 thuyền viên và 11 người đã được 2 tàu cá KG 91371 TS và KG 91907 TS cứu, còn 12 người hiện đang mất tích.
|
Chị Nguyễn Thu Trang ở phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) lo lắng tột độ khi hay tin thuyền viên Nguyễn Tiến Đạt (chồng chị) là một trong 23 người bị nạn |
Có mặt tại Công ty Vận tải và XNK Quảng Ninh lúc chiều muộn, nhiều đồng nghiệp của các thuyền viên có mặt tại công ty đang lo lắng và cập nhật từng thông tin từ tàu cá KG 91371 TS báo về. Trao đối với phóng viên, ông Phạm Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc Công ty Vận tải và XNK Quảng Ninh cho biết: "Đây được coi là vụ tai nạn nghiêm trọng và có thiệt hại lớn nhất. Do đó, ngay sau khi nhận được thông tin ngay từ sáng sớm, công ty đã triệu tập hầu hết cán bộ chủ chốt bàn các biện pháp và xây dựng kế hoạch cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.Đồng thời thông báo khẩn cấp tới Trung tâm Uỷ ban TKCN Quốc gia và các Trung tâm TKCN khu vực 1, 2, 3; các đồn biên phòng, hải quan khu vực cùng với đoàn tàu cá tăng cường quan sát, trợ giúp tìm kiếm các thuyền viên mất tích...Mặt khác, công ty giữ liên lạc thường xuyên với tàu cá KG 91371 TS trên tần số 7903 kHz để cập nhật thông tin về các thuyền viên được cứu". Ông Thuỷ cho biết thêm, hiện tại 11 thuyền viên được cứu tình trạng sức khoẻ tương đối ổn định và hiện đang ở trên các thuyền cá. Tàu Vân Đồn 02 thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển và XNK Quảng Ninh, có trụ sở tại số 9 Bến Đoan, Hạ Long, Quảng Ninh.Nín thở chờ tin người thân Trong tổng số 23 thuyền viên trên con tàu Vân Đồn 02 có anh Nguyễn Tiến Đạt, 28 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, khuôn mặt chị Nguyễn Thu Trang, vợ Đạt, rất lo âu thấp thỏm trước thông tin về chồng mình. Vừa bế con trai 16 tháng tuổi trên tay chị vừa kể: “Khoảng 9 giờ sáng, tôi đi chợ về và nhận được tin tàu chở hàng của anh nhà gặp nạn. Người run lên, chân chùng xuống, miệng lắp bắp gọi điện thoại cho người thân trong gia đình...”. Ngay lập tức, bố mẹ chồng của chị đã tìm đến Công ty nơi chồng chị Công tác. Bố mẹ đẻ của chị đang làm ăn ở tận biên giới Móng Cái cũng tức tốc đi xe máy hơn 200 cây số về. Cả nhà hoang mang và tìm mọi quan hệ để liên lạc nắm thông tin về anh Đạt và con tàu xấu số. Không khí gia đình u ám cho đến chiều tối, tin vui đầu tiên mới đến: Đạt được xác nhận là một trong số 11 người được các tàu cá cứu sống. Theo nguồn tin của chúng tôi, một tàu Hải quân Việt Nam đang cố gắng tiếp cận khu vực tàu cá gặp nạn (khoảng 2 hải lý) để ứng cứu và đưa 11 nạn nhân lên bờ. Hàng chục gia đình có người thân trên tàu Vân Đồn 02 vẫn nín thở chờ tin may mắn. Tuy nhiên, cho đến đêm qua, vẫn chưa có thêm thông tin về 12 thuyền viên còn lại. Nỗ lực cứu hộ vẫn được tiếp tục.
Danh sách 23 thuyền viên tàu Vân Đồn 02
1. Nguyễn Danh Hải (SN 1967), ở 528, Cẩm Thủy, Cẩm Phả, Quảng Ninh; 2. Nguyễn Mạnh Hà (SN 1979), ở tổ 20A, khu 2A, Cao Xanh, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; 3. Vũ Văn Cao (SN 1981), ở Tiên Lãng Hải Phòng; 4. Nguyễn Duy Vững (SN 1983), Nam Hồng, Nam Sách, Hải Dương; 5. Nguyễn Tiến Đạt (SN 1982), ở 115B, tổ 57, khu4, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; 6. Lê Văn Diệu (SN 1981) ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa; 7. Vũ Mạnh Hùng (SN 1961) ở số 23, phường Quang Trung, TP. Hải Dương; 8. Lê Văn Bấc (SN 1959) ở Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; 9. Vũ Xuân Đức (SN 1989) ở tổ 77, khu 5, Bạch Đằng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; 10. Phạm Văn Thuận (SN 1983) ở Quảng Hưng, Thanh Hóa; 11. Phạm Văn Thứ (SN 1985) ở Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình; 12. Phạm Quang Hải (SN 1978) ở An Hải, Hải Phòng; 13. Lê Tuấn An (SN 1982) Cụm 2, Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội; 14. Trần Văn Chiến (SN 1982), xóm 11, xã diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An; 15. Phạm Văn Tuyến (SN 1975), Yết Kiêu, TP. Hạ Long; 16. Vũ Thanh Tuyền (SN 1985), An Thành, Quỳnh Phụ, Thái Bình; 17. Kiều Văn Dũng (SN 1978), tổ 2, cụm 4, Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng; 18. Vũ Cao Đăng (SN 1957), Hà Tu, Hạ Long, Quảng Ninh; 19. Trần Văn Oanh (SN 1973), số 206, Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng; 20. Đỗ Văn Toàn (SN 1958), Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng; 21. Đỗ Thành Tú (SN 1984), số 14/283, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng; 22. Phan Văn Nhất (SN 1987), thôn Vũ Lao, xã Kỳ Sún, Thủy Nguyên, Hải Phòng; 23. Bùi Thế Mạnh (SN 1988), Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam. |
Theo Đỗ Bá Khang - Anh Tuấn
Đất Việt