Họ là những người có quyền có chức, thậm chí còn là những sao “rất sáng” và “đang lên” nhưng lại “dính chàm”, không phải tham ô hay tham nhũng mà là... đạo văn – một việc làm thiếu trung thực, gây bất bình cho dư luận và làm sự nghiệp của chính họ nhanh chóng bị tàn lụi.
|
Ông Karl-Theodor. |
1. Bộ trưởng quốc phòng Đức “ra đi trong tủi hổ”
Theo BBC, đầu tháng 3/2011, Bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đã phải đầu hàng trước sức ép của dư luận, nhất là từ giới học giả và truyền thông sau khi vụ scandal đạo văn bị khui ra.
Theo tờ Suddeutsche Zeitung của Đức thì luận án tiến sĩ của Guttenberg hoàn thành năm 2006, công bố năm 2009 nhưng chủ nhân của nó lại sao chép một đoạn dài từ một bài báo và một đoạn khác từ một bài giảng mà không ghi rõ nguồn, thậm chí nhiều đoạn khác cũng không trích dẫn nguồn chính xác.
Vụ bê bối đã khiến ông Guttenberg phải ra đi trong tủi hổ, sau khi 50.000 học giả khắp nước Đức đã ký vào một lá thư kiến nghị lên Thủ tướng Merkel yêu cầu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng càng sớm càng tốt.
2. Bộ trưởng giáo dục Đức cũng “sa lầy”
|
Bà Annette Schavan. |
Đầu tháng 5 vừa qua, bà Annette Schavan, 57 tuổi, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đức (FMER) cũng dính vào nghi án đạo văn trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1980 tại trường Đại học Düsseldorf. Một số nguồn tin khẳng định rằng có tới 56 trong tổng số 325 trang luận án tiến sĩ của bà Schavan là đi sao chép từ các nguồn khác nhưng lại không trích dẫn nguồn.
Bà Schavan trong khi đó khẳng định luận án của bà đã được hoàn thành đúng luật cách đây 32 năm và bà sẵn sàng cung cấp thông tin cho những ai quan tâm, tìm hiểu về luận án này. Sau sự kiện của bà Annette Schavan, nhiều chính trị gia khác của Đức cũng đã bị rút bằng tiến sĩ do dính nghi án đạo văn, hoặc bị khiển trách vì đã bảo vệ luận văn một cách sơ sài.
Trong số này có cả Phó chủ tịch Nghị viện Âu châu Silvana Koch-Mehrin – nữ chính khách thuộc Đảng Dân chủ tự do (FDP) - đã từ bỏ mọi chức vụ hiện có sau khi có cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ dày 227 trang không ghi rõ nguồn trích dẫn.
3. Tổng thống Hungary thất sủng
|
Ông Pal Schmitt được bầu làm Tổng thống Hungary trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 263 thuận, 59 chống trong Quốc hội Hungarry và chính thức nhậm chức vào ngày 6/8/2010.
Tuy nhiên, đến ngày 2/4/2012, ông Schimitt đã buộc phải xin từ chức sau khi bị tước bỏ học vị tiến sĩ bảo vệ năm 1992 do bị cáo buộc đạo văn.
“Theo hiến pháp, tổng thống phải đại diện cho sự đoàn kết của Hungary. Thật không may, tôi lại trở thành biểu tượng của sự chia rẽ. Tôi cảm thấy nghĩa vụ của mình là rời khỏi vị trí này” – ông Schimitt phát biểu trước Quốc hội Hungary trước khi từ chức.
Trước đó, cuối tháng 3/2012, trường Đại học Semmelweis, Budapest đã rút bằng tiến sĩ của ông Schmitt sau khi phát hiện 180 trang trong tổng số 215 trang trong luận văn nói về Thế vận hội Olympic (The Olympic Games) của ông là sao chép của những người khác.
4. Ông nghị Hàn “trả giá”
|
Cuối tháng 4/2012, nhà lập pháp mới đắc cử Hàn Quốc Moon Dae-sung – người từng đoạt huy chương vàng Olympic môn taekwondo - đã phải từ bỏ vị trí trong đảng cầm quyền Saenuri sau khi ĐH Kookmin xác nhận Moon Dae-sung đã đạo văn trong luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của thần kinh cơ của cơ thể đối với tính linh hoạt và sức mạnh cơ bắp của VĐV Taekwondo.
Theo ông ông Pak Yong-jin - phát ngôn viên của Đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DUP) - thì ông Moon không đủ tư cách là một nhà lập pháp vì sự dối trá này. DUP cũng đã yêu cầu ông Moon phải rời khỏi Quốc hội một khi đã có bằng chứng rõ ràng, dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng 3 đến 4 tháng điều tra.
Vụ việc của ông Moon đã khiến đảng Saenuri chỉ còn 150 ghế trong tổng số 300 ghế, thiếu một ghế để chiếm đa số trong Quốc hội và có thể ảnh hưởng đến cuộc chạy đua chức tổng thống của Đảng này vào cuối năm nay.
5. Thủ tướng Rumani cũng lao đao
|
Tạp chí khoa học Nature của Mỹ số ra ngày 18/6/2012 vừa qua đăng tải nguồn tin cho biết, tân thủ tướng Rumani Victor Ponta hiện đang bị cáo buộc tội đạo văn luận án tiến sĩ về đề tài Chức năng của Tòa hình sự quốc tế (Functioning of the International Criminal Court) là sao chép của người khác.
Tạp chí này dẫn lời ông Marius Andruh - người đứng đầu Hội đồng cấp bằng của Rumani – khẳng định, hơn một nửa trong tổng số 432 trang luận án mà ông Victor Ponta thực hiện tại Trường đại học Bucharest năm 2003 khi đang giữ chức Bộ trưởng ngoại giao Rumani là sao nguyên bản chính hoặc gần giống với tài liệu của 2 học giả luật là Dumitru Diaconu và Vasile Cretu.
Về phần mình, Thủ tướng Ponta đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho biết sẵn sàng đối chất để xác minh sự thật và rằng cáo buộc trên là âm mưu chính trị do các đối thủ đưa ra.
Khắc Nam (tổng hợp)