Chính phủ chỉ đạo rốt ráo kiểm soát lạm phát

Ngày 5-3, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ quy định về giá; kiểm tra ngay việc điều chỉnh giá bán xăng dầu; thực thi các biện pháp giảm nhập siêu,... Đây tiếp tục là những chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt 1 tuần qua với trọng tâm là kiềm chế lạm phát năm 2010.

Ngày 5-3, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ quy định về giá; kiểm tra ngay việc điều chỉnh giá bán xăng dầu; thực thi các biện pháp giảm nhập siêu,... Đây tiếp tục là những chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt 1 tuần qua với trọng tâm là kiềm chế lạm phát năm 2010.


Vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm thúc đẩy sản xuất phát triển

Vận tải, xi măng, sắt thép, gạo, sữa, thuốc,... phải được kiểm soát

Thực tế hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn đang có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng không tốt đến việc bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, cũng như gây tâm lý bất lợi trong dư luận xã hội.

Để sớm khắc phục tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của Pháp lệnh Giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ, trước hết là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như: vận tải, xi măng, sắt thép, phân bón, gạo, sữa, thuốc chữa bệnh,...; đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá.

Kiểm tra ngay việc điều chỉnh giá bán xăng dầu

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát; nghiên cứu, trình sớm với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu về quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, vừa bảo đảm vốn cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Thông tin về quyết tâm và khả năng kiểm soát lạm phát

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khách quan, kịp thời về giá cả thị trường, về quyết tâm và khả năng kiểm soát lạm phát, không tạo tâm lý đua nhau tăng giá.

Đây cũng là vấn đề thời sự được báo giới đặc biệt quan tâm và đã trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Người phát ngôn của Chính phủ trong cuộc họp báo chiều 3-3.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, không nên quá lo lắng về vấn đề tăng giá trong hai tháng đầu năm. “Chúng ta đủ khả năng để kiểm soát lạm phát”, ông nói. Song cũng không được coi thường và không để lạm phát cao quay trở lại. Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kiểm soát triển khai đầu tư, nếu dự án nào kém hiệu quả thì phải kiên quyết cắt bỏ.

Phân tích của ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, nếu nhìn vào con số thì vấn đề không có gì đột biến. Tính từ năm 2003, lạm phát cả năm là 3%; 2004 -9,5%; 2005 -8,4%; 2006 -6,6%; 2007 -12,6%; 2008 -19,89%; 2009 -6,32%; 2010- hai tháng đầu năm là 3,35%. Do đó, chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá của hai tháng đầu năm, cũng như lo ngại lạm phát tăng cao quay trở lại.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm