Chính phủ dành ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng pháp luật

(PLO) -Năm 2014, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, điểm nhấn trong công tác này trong năm qua là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Nhân dịp năm mới, PV Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) xung quanh vấn đề này.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành ưu tiên hàng đầu
Thưa ông, ông đánh giá về công tác xây dựng luật của các bộ, ngành năm 2014, đâu là điểm nhấn của công tác này năm qua? 
TS. Phạm Tuấn Khải: Năm 2014, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Chính phủ là rất nặng nề. Các bộ, cơ quan ngang Bộ dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật cụ thể là, tiến độ và chất lượng dự án, dự thảo văn bản được chuyển biến theo hướng tích cực; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã đạt được mục tiêu, định hướng đề ra là ưu tiên các dự án về tổ chức bộ máy Nhà nước, các dự án cần ban hành ngay sau khi Hiến pháp được thông qua và các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh v.v...
Số lượng các dự án luật do Chính phủ soạn thảo được Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn (35 dự án), trong đó có 03 dự án luật thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy; 22 dự án luật thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; 6 dự án luật thuộc lĩnh vực quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; 4 dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, điểm nhấn trong công tác xây dựng pháp luật năm 2014 là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng pháp luật nói chung và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng; kịp thời cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của các dự án, dự thảo; chỉ đạo tăng cường công tác pháp chế của bộ, ngành Trung ương. Thủ tướng luôn dành thời gian thích đáng để chỉ đạo, định hướng tư tưởng quan trọng đối với các dự án, dự thảo, xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xem xét, thông qua và trình các dự án, dự thảo.

Ngoài ra, một điểm mới nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định các văn bản là việc Thủ tướng thành lập Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013; việc thực hiện thí điểm cơ chế tham vấn chuyên gia do Văn phòng Chính phủ tổ chức đã thu hút rộng rãi sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia cho ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
 TS. Phạm Tuấn Khải

Nợ đọng văn bản thấp nhất 10 năm qua

Một trong những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên là hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành bởi tình trạng này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Vấn đề này đã được khắc phục như thế nào và cần giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

TS. Phạm Tuấn Khải: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành rất quan tâm đến công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh (cuối năm 2014, Chính phủ chỉ còn 6 văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được ban hành do có khó khăn về mặt khách quan. Đây là số văn bản nợ đọng thấp nhất trong 10 năm qua).

Những giải pháp đã triển khai để khắc phục nợ đọng văn bản như sau:

- Thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội[1].

- Ngay sau khi Luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã kịp thời có quyết định phân công cụ thể trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong việc nghiên cứu, soạn thảo, đồng thời xác định cụ thể tiến độ trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

- Những năm gần đây, mỗi năm Chính phủ tổ chức từ 02 đến 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để dành thời gian tập trung kiểm điểm, đánh giá, đề ra các biện pháp chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Thủ tướng đã có quyết định giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết; định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng và hàng năm báo cáo Chính phủ tại các phiên họp;

- Công khai tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về bảo đảm kinh phí hỗ trợ cho xây dựng văn bản.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

- Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, và chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thuộc bộ, ngành mình trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý, theo dõi ngay từ đầu, liên tục suốt quá trình xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khi xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ, chỉ đưa vào nội dung luật, pháp lệnh những vấn đề thật cần thiết phải quy định chi tiết và có tính khả thi cao, những nội dung không thể quy định cụ thể hơn luật thì kiên quyết không đưa vào nội dung luật, pháp lệnh.

Về kết quả, trong năm 2014, các bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Qua đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, cơ bản bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; trong số các văn bản quy định chi tiết đã ban hành trong năm 2014 không có văn bản nào có nội dung trái pháp luật hoặc không khả thi, gây bức xúc dư luận. 
Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Một số văn bản quy định chi tiết đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, chẳng hạn các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, một số văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa v.v... cuối năm 2014, số lượng văn bản “nợ đọng” đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, được Quốc hội ghi nhận tại các Kỳ họp thứ 7 và thứ 8.
Kết quả trên, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, công việc này vẫn còn những hạn chế: Trước hết là nhiều văn bản quy định chi tiết ban hành chưa bảo đảm đúng tiến độ để phù hợp đồng thời với hiệu lực của luật, pháp lệnh, có văn bản quy định chi tiết để nợ đọng kéo dài gây khó khăn trong triển khai thi hành luật, pháp lệnh. 
Giải pháp để chấm dứt tình trạng này cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nêu trên, cần nghiên cứu sửa đổi quy trình xây dựng văn bản pháp luật trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt là quy định về thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Trách nhiệm "người gác cổng"

Thời gian qua, dự luận nhân dân “dậy sóng” trước một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng không sát thực tế, không được cuộc sống chấp nhận. Trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp như thế nào, thưa ông?

TS. Phạm Tuấn Khải: Cách đây 2 năm có một số quy phạm pháp luật trong một số văn bản pháp luật được ban hành chưa sát với thực tế được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, các quy phạm này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng ngàn quy phạm phù hợp được ban hành trong thời gian qua. 
Chúng ta không nên chỉ nhìn vào một vài quy phạm pháp luật chưa sát với thực tế trong hàng trăm văn bản mà có nhận xét không khách quan hoặc thậm chí phủ nhận thành quả xây dựng pháp luật trong thời gian qua. Bởi lẽ, pháp luật phản ánh các quan hệ xã hội, nhưng thực tế bao giờ cũng có những biến động nhanh mà bản thân pháp luật chưa hoặc không theo kịp.

Về trách nhiệm, xin mạnh dạn nêu ra là, (1) cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hoặc không nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc lấy ý kiến chưa sát với đối tượng chịu sự tác động của văn bản; (2) trách nhiệm của các cơ quan phối hợp, cơ quan tham mưu trong quá trình ban hành văn bản; (3) việc công khai lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội còn hạn chế.

Về giải pháp, tôi cho rằng, trước hết cần kiện toàn các Ban soạn thảo, tổ biên tập theo hướng, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng và chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của từng thành viên; tránh hình thức; huy động các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm sát với thực tế vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập để đưa ra các phương án, lựa chọn và và đánh giá tác động kỹ lưỡng các quy phạm đưa ra trong dự án, dự thảo.

- Hai là, tăng cường công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của VPCP về các nội dung của các quy phạm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và khách quan trong quá trình thẩm định, thẩm tra.

- Ba là, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản trong suốt  quá trình xây dựng, soạn thảo và kiểm tra sau khi văn bản được ban hành.

- Bốn là, đề cao trách nhiệm pháp lý của những chủ thể chủ trì xây dựng, trình ban hành văn bản.

Những trăn trở của ông trong công tác xây dựng pháp luật với tư cách là đơn vị “gác cổng” cho lãnh đạo Chính phủ về công tác này?

TS. Phạm Tuấn Khải: Văn phòng Chính phủ với vai trò “gác cổng” cho lãnh đạo Chính phủ, điều trăn trở nhất trong công tác tham mưu ban hành văn bản pháp luật là làm sao đảm bảo được tính khách quan, công bằng trong chính sách, hạn chế tối đa tính cục bộ trong quá trình xây dựng, ban hành, trình văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, năng lực và có chế độ chính sách phù hợp để đội ngũ công chức làm công tác xây dựng văn bản pháp luật yên tâm, hết lòng, hết sức với công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng những người giỏi trong công tác xây dựng pháp luật có xu hướng ra đi và sắp xếp những công chức hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ tham gia làm công tác này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm