Chính phủ: “Khẩn trương hạ lãi suất huy động và cho vay”

Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12%.
Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12%. Đó là một trong những yêu cầu được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/5/2010. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2010 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt được tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm nay. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, lương thực…; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đáng chú ý là Nghị quyết đưa ra mục tiêu “phấn đấu kiềm chế chỉ số lạm phát khoảng 8%”, thay vì khoảng 7% đưa ra từ đầu năm.
Cùng với hạ lãi suất, Chính phủ chỉ đạo tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng
Một nội dung trọng tâm để triển khai những nhiệm vụ trên liên quan đến chính sách tiền tệ. Nghị quyết nêu rõ: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng”. Như vậy, với chỉ đạo của Chính phủ, lãi suất huy động và cho vay VND có thể tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vận động, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay VND từ phổ biến trên 16%/năm xuống còn 13% - 15%/năm, đối với các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… Tuy nhiên, theo chính sách tín dụng của hầu hết các ngân hàng hiện nay, những mức lãi suất thấp như 13% - 14%/năm chủ yếu chỉ áp dụng cho một số đối tượng doanh nghiệp như xuất khẩu, hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chủ yếu ở các khoản vay ngắn hạn. Với chỉ đạo mới của Chính phủ, đặc biệt là ở yêu cầu “khẩn trương”, có thể các mức lãi suất nói trên sẽ sớm tiếp tục được điều chỉnh và mở rộng hơn ở các đối tượng doanh nghiệp vay vốn. Đi cùng với đó, chỉ đạo tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng cũng sẽ tạo thêm cơ hội tiếp vốn cho doanh nghiệp. Trong tháng 4, tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu có cải thiện, nhưng tính chung cả 4 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp. Ngoài những chỉ đạo trên, Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm dần nhập siêu xuống mức không cao hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu; kiên quyết không nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết; sử dụng các biện pháp thuế, phi thuế và hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu…
Theo Minh Đức
VnEconomy

Đọc thêm