Chính phủ Mỹ ngụy biện cho việc trộm cắp thông tin

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ nói chương trình theo dõi điện thoại và internet mới bị phát giác đã giúp ngăn ngừa hàng chục âm mưu khủng bố.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 12/6, Giám đốc NSA Keith Alexander đã cố tìm cách để bác bỏ những lời chỉ trích về các chiến thuật chống khủng bố nhằm vào chính quyền của Tổng thống Obama.

Chính phủ Mỹ cho rằng việc nghe lén thông tin là vì công dân Mỹ.

Cuộc điều trần diễn ra sau các tiết lộ về việc chính quyền Mỹ đã thu thập dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ và dữ liệu sử dụng internet đối với người ở nước ngoài thông qua 9 công ty công nghệ hàng đầu như Google, Facebook và Microsoft.

Tại cuộc điều trần, Tướng Alexander nói rằng, các chương trình do thám điện tử nói trên có vai trò rất quan trọng trong việc phát giác các âm mưu khủng bố trong và ngoài nước Mỹ.

“Chúng đã giúp ngăn ngừa hàng chục âm mưu khủng bố. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang làm đúng trong việc bảo vệ các công dân Mỹ.” – ông Alexander nói. Ông cũng cho biết giới chức tình báo đã “cố gắng minh bạch” về các chương trình này và sẽ giải trình tại Ủy ban tình báo trước khi công bố bất cứ thông tin nào khác.

Tuy nhiên vị giám đốc NSA cũng nói một số chi tiết sẽ không được tiết lộ “bởi vì nếu chúng ta nói cho quân khủng bố biết chúng ta sẽ truy đuổi chúng thế nào, chúng sẽ thoát và người Mỹ sẽ bị tiêu diệt”. Ông Alexander nói thêm rằng, ông thà bị chỉ trích là che giấu gì đó hơn là “gây ảnh hưởng tới an ninh của đất nước”.

Ông Alexander cũng nói rằng NSA cần điều tra xem làm sao ông Snowden - một nhân viên hợp đồng cấp thấp - lại có thể thu thập và làm rò rỉ các thông tin quan trọng như vậy được.

61.000 mục tiêu

Cùng ngày, Edward Snowden – người đã tiết lộ các thông tin chấn động về các chương trình do thám của chính quyền Mỹ – tuyên bố sẽ chống lại việc dẫn độ ông về Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post của Hồng Kông, Snowden cho hay các nhân viên tình báo Mỹ trong nhiều năm qua đã xâm nhập vào các mạng lưới máy tính trên khắp thế giới.

Snowden nói rằng có tới 61.000 hệ thống máy tính đã trở thành mục tiêu của NSA, trong đó có cả các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục và ở Hồng Kông. Tuy nhiên, South China Morning Post cho hay họ không thể xác minh tính xác thực những tài liệu mà Snowden đã đưa ra cho họ xem.

Snowden cho biết, cơ quan mà anh ta từng phục vụ với tư cách nhà thầu quốc phòng thường nhắm mục tiêu là các đường truyền dữ liệu băng thông rộng tốc độ cao.

“Chúng tôi xâm nhập vào các mạng xương sống, ví dụ như các bộ định tuyến internet lớn. Việc này giúp chúng tôi có thể nắm bắt thông tin của hàng trăm nghìn máy tính mà không phải tấn công từng cái một”, Snowden nói.

Những tiết lộ về chương trình do thám của NSA cũng đã khiến cơ quan quản lý Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding cho biết bà lo ngại Mỹ đã nhắm mục tiêu là các công dân của khối.

Reding cho biết bà dự định sẽ trình bày vấn đề này trong một cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (14/6). “Việc tôn trọng các quyền cơ bản và các quy định của luật pháp là nền tảng của mối quan hệ châu Âu – Mỹ. Hiểu biết chung này đã được và cần phải duy trì làm nền tảng cho hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực tư pháp”, bà Reding nói.

Hà Dung

Đọc thêm