Chính phủ Mỹ nguy cơ dừng hoạt động

Hạ viện Mỹ rạng sáng 29/9 đưa Chính phủ tiến gần hơn đến khả năng phải ngừng hoạt động khi bỏ phiếu trì hoãn dự luật về chương trình y tế của Tổng thống Obama.

Hạ viện Mỹ rạng sáng 29/9 đưa Chính phủ tiến gần hơn đến khả năng phải ngừng hoạt động khi bỏ phiếu trì hoãn dự luật về chương trình y tế của Tổng thống Obama.

Với tỉ lệ 231 phiếu thuận và 192 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua việc trì hoãn thực thi Luật Cải cách y tế của chính quyền Obama (Obamacare) trong một năm. Ngoài ra, Hạ viện bác bỏ đề xuất đánh thuế lên thiết bị y tế để tài trợ cho các chương trình y tế theo Luật Obamacare được thông qua hồi năm 2010.

Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc về dự luật ngân sách.

Trong một dấu hiệu cho thấy các nhà làm luật Mỹ dường như đã chuẩn bị cho sự tê liệt của Chính phủ vào ngày 1/10 tới, Hạ viện cũng đã nhất trí thông qua một dự luật để duy trì việc trả lương cho các binh sỹ Mỹ trong trường hợp Chính phủ hết tiền để duy trì nhiều chương trình khác.

Để tránh nguy cơ phải ngừng hoạt động, Chính phủ Mỹ sẽ phải nhất trí về một Dự thảo Luật Ngân sách mới trước khi năm tài khóa kết thúc vào đêm 30/9. Trước đó, lãnh đạo nhóm đa số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid đã tuyên bố Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ bác bỏ dự luật của Đảng Cộng hòa trong phiên bỏ phiếu diễn ra vào 14h00 ngày 30/9 (giờ địa phương). Tổng thống Barack Obama cũng đã đe dọa sẽ phản đối bất kỳ dự luật nào trì hoãn việc tái cơ cấu chương trình y tế của ông.

Theo các nhà phân tích, cơ hội để hai bên đạt được một thỏa thuận về ngân sách trước đêm 30/9 là rất mong manh. Quốc hội Mỹ cũng có thể hành động để chấm dứt tình trạng bế tắc trong trường hợp Chính phủ bị tê liệt. Nhưng cuộc tranh cãi ác liệt tại Hạ viện kéo dài từ tối 28 sang rạng sáng ngày 29/9 cho thấy khả năng thỏa hiệp khó có thể xảy ra.

“Các ngài đã bị một nhóm có tên Đảng Trà điều khiển”, đại diện bang Georgia thuộc Đảng Dân chủ David Scott giận dữ nói khi đề cập đến phong trào phản đối Chính phủ hiện khá mạnh tại Mỹ. Trong khi đó, đại diện bang Texas thuộc Đảng Cộng hòa John Culberson cũng hét lên, đề cập đến chương trình Obamacare: “Người dân Mỹ xứng đáng có thời gian để xem điều quái dị này sẽ ra sao trước khi nó được thực thi”. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc tranh cãi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ kéo dài qua ngày 30/9.

Nếu Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động vào ngày 1/10, khoảng 1/3 trong số 2,1 triệu nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc. Các công viên quốc gia và trại bảo vệ động vật hoang dã sẽ bị đóng cửa. Các khoản thanh toán lương hưu và trợ cấp cho các cựu chiến binh sẽ bị trì hoãn trong khi một số dịch vụ như làm hộ chiếu, thị thực và đơn xin cầm cố có thể bị gián đoạn.

Các chương trình cần thiết như kiểm soát không lưu và thanh tra thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục. Các binh lính vẫn làm việc bình thường nhưng các nhân viên dân sự trong lực lượng quân đội sẽ phải ở nhà. Một số nhân viên Nhà Trắng cũng có nguy cơ bị nghỉ việc.

Nguy cơ Chính phủ Mỹ bị tê liệt, nếu xảy ra sẽ là lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, sẽ là một trong hai cuộc khủng hoảng tài khóa mà Chính phủ Mỹ phải đối mặt. Đến ngày 17/10, quyền vay để tài trợ cho các nghĩa vụ trả nợ của Bộ Tài chính Mỹ sẽ hết hạn, trừ khi Quốc hội phê chuẩn việc tăng trần nợ công. Ngày 27/9, Tổng thống Obama đã thúc giục Hạ viện thông qua dự luật tăng giới hạn nợ vì theo lời ông, “việc Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới”.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm