Chính phủ yêu cầu giải quyết vướng mắc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trước 25/4

Ngày 28/3/2023, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam...
Kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam ban hành năm 2018 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Thông báo nêu: Thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.

Đặc biệt là cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Chính phủ giải quyết những nội dung liên quan.

Sau kết quả thanh tra năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo dùng ngân sách nhà nước hoàn trả tiền cho Tổng công ty Vận tải thủy để doanh nghiệp này rút khỏi vị trí nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam nhưng đến nay, quá trình này vẫn chưa thể hoàn tất.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng công ty Vận tải thủy phải kê khai chi phí làm căn cứ tính toán, tuy nhiên, nhà đầu tư này lại cho rằng họ không có nghĩa vụ kê khai mà chỉ đưa ra mức giá theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết nhiều vướng mắc pháp lý vượt qua thẩm quyền của bộ này. Ví dụ ngay cả khi thỏa thuận được mức giá nhưng nguồn tiền để trả cho nhà đầu tư hiện cũng không biết lấy từ đâu, mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ "dùng ngân sách nhà nước hoàn trả tiền cho nhà đầu tư như nói trên.

Hiện tại, công ty kiểm toán độc lập cũng đã vào cuộc để xác định lại giá trị thương hiệu của Hãng Phim truyện nhưng vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác. Lý do ở đây, theo quy định hiện hành, giá trị thương hiệu không tính tuổi đời của doanh nghiệp hay những giá trị vô hình về danh tiếng.

Đến nay, vụ việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam kéo dài đã 7 năm, lỗ lũy kế của hãng phim lên tới gần 50 tỷ đồng. Nhưng điều đáng tiếc hơn là chưa ai đong đếm những thiệt hại, mất mát giá trị hữu hình, vô hình của các chủ thể liên quan từ nhà nước, doanh nghiệp đến người lao động nếu tiếp tục kéo dài tình trạng trên.