Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, mỗi năm có khoảng 16 triệu lượt người Nhật ra khỏi nhà đi du lịch, nhưng cơ hội làm ăn đến với các công ty du lịch Việt Nam khá ít ỏi, chỉ đón được 200-300 nghìn khách Nhật/năm.
|
||
Khách Nhật tham quan Hội An. |
Theo nghiên cứu của cơ quan du lịch Đà Nẵng, sở thích du lịch của du khách Nhật hướng về những sản phẩm khá giống với tài nguyên du lịch mà các tỉnh miền Trung đang sở hữu như di sản văn hóa, thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, nhưng khách du lịch Nhật chiếm có 4% tổng số khách đến khu vực này. Nghĩa là Việt Nam có những thứ hợp sở thích nhưng vẫn không đón được nhiều khách Nhật. Và những chuyên gia khuyên rằng, du lịch Việt Nam đang thiếu những ưu thế riêng biệt và chất lượng chuẩn (Consept) và sự phục vụ có khả năng làm cho khách cảm kích vì đem lại bất ngờ (Hospitality). Mới nghe qua, sẽ nghĩ rằng không thể xác định rõ cái gì là “riêng biệt có ưu thế”, và “đẳng cấp cao của dịch vụ” và các doanh nghiệp (DN) du lịch miền Trung sẽ lạc lối trong rừng tiêu chuẩn theo định vị của khách Nhật!
Thực tế mọi chuyện đã từng đơn giản hơn với Hawaii, nơi mà người Nhật thích đến nhất nếu họ đi du lịch châu Á, và con số khách quay trở lại đây lên đến 90%. Ông Yukichika Iijima, người thành công trong cuộc cải tổ và tái sinh tập đoàn khách sạn Yokohama Bay Sheraton & Towers bằng phương pháp quản lý khách sạn theo tiêu chuẩn toàn cầu đã phân tích trong một cuộc trao đổi mới đây với các doanh nghiệp du lịch tại Hội An: Hawaii có mọi thứ giống hệt Việt Nam đang có, những di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người thân thiện, cởi mở. Nhưng, Hawaii có sự nỗ lực liên kết chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch bang, cơ quan tổ chức hội nghị, ngành giao thông, hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng…, tất cả hợp thành một thể thống nhất để tạo sản phẩm du lịch thỏa mãn khách. Những đường bay trực tiếp, giúp người Nhật được làm thủ tục, mua bán bằng tiếng Nhật, mở các loại hình giải trí Nhật không có, và Hawaii rất nhiều các nhà hàng bán thức ăn Nhật để chiều nhu cầu của khách muốn được ăn món quen thuộc Nhật Bản trong quá trình đi tour. Ông bày tỏ cảm nghĩ, đó là một dây chuyền công nghệ phục vụ khách vừa hiện đại, vừa cặn kẽ đến từng chi tiết.
Ý kiến này lại đặt ra vấn đề, liệu hãng lữ hành có chấp nhận đưa khách vào một nhà hàng Nhật Bản hay ép khách vào nhà hàng Việt để giảm giá tour, hoặc giảm chi phí, tăng lợi nhuận? Không giải quyết được vấn đề này, DN Việt chưa thể đạt đến đỉnh cao dịch vụ, một sự phục vụ mang phong cách hospitality, một sự tận tâm phục vụ không vụ lợi như người Nhật ưa thích. Một phong cách phục vụ đỉnh cao thì phải trên cả sự chuyên nghiệp, nó bao hàm một sự hiểu biết, một tình cảm như người thân, và sáng tạo tiếp nối sáng tạo trong hoạt động của từng lãnh đạo, từng nhân viên du lịch.
Và có một điểm đáng ngạc nhiên, các cuộc nghiên cứu về du khách thị trường Nhật Bản đã được rất nhiều các viện nghiên cứu, các công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển nhân sự, kinh doanh du lịch Nhật đúc kết và sẵn sàng trao đổi để du lịch Đà Nẵng hiểu từng thị trường một, và từ đó đề ra những chiến lược riêng cho thị trường tiềm năng như Nhật Bản, nhưng đến nay vẫn chưa thể tự hào rằng khu vực nào, loại hình dịch vụ nào được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn cao của khách Nhật.
Việt Nam đang quảng bá về những di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới, nhưng có thể chúng ta sẽ giật mình khi biết rằng đến cuối năm 2009 có 890 di sản thế giới, và chỉ một nước Italia đã sở hữu đến 44 di sản. Trong top 10 di sản thế giới du khách muốn đến tham quan không có nơi nào là Vịnh Hạ Long, Hội An, Huế hay Mỹ Sơn… Đó là một thực tại khó khăn mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản thuộc Công ty HRInstitute đã cảnh báo, nếu du lịch Việt Nam không có được một guồng máy vận hành chuyên nghiệp, một sự phối hợp hoàn hảo. Cuộc vượt vũ môn của du lịch Việt Nam chinh phục khách Nhật chắc chắn sẽ không chỉ đem lại lợi ích tăng trưởng, mà là cuộc cải tổ toàn diện về cả guồng máy quản lý và kinh doanh phục vụ phát triển du lịch để có thể phục vụ du khách mọi quốc tịch. Những láng giềng gần đều là những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ. Ngay cả Siêm Riệp, tuy dịch vụ còn đơn sơ nhưng lại là di sản văn hóa thế giới đứng thứ nhất ở châu Á trong danh sách 10 di sản du khách toàn thế giới muốn tham quan. Ngành du lịch các tỉnh miền Trung cần thay đổi nhanh hơn nữa và có một sự đầu tư để nhanh chóng có một thương hiệu riêng.
ĐOÀN LÊ