Chính quyền Pháp lao đao vì một vụ bê bối giấu tiền

Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa buộc phải lên tiếng bác bỏ việc ông có cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào cho một cựu bộ trưởng trong nội các của ông, trong bối cảnh nhân vật này vừa thừa nhận đã giấu tiền ở nước ngoài. Vụ bê bối được đánh giá có thể gây phương hại nặng tới uy tín của chính quyền Tổng thống Hollande, hiện thấp ở mức kỷ lục.

Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa buộc phải lên tiếng bác bỏ việc ông có cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào cho một cựu bộ trưởng trong nội các của ông, trong bối cảnh nhân vật này vừa thừa nhận đã giấu tiền ở nước ngoài. Vụ bê bối được đánh giá có thể gây phương hại nặng tới uy tín của chính quyền Tổng thống Hollande, hiện thấp ở mức kỷ lục.

Lời thú nhận bẽ bàng

Ngày 3/4, báo chí Pháp cho biết Cựu Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac đã chính thức thừa nhận việc đã có hành vi trốn trốn thuế. Trước đó, Cahuzac liên tục khẳng định trước Quốc hội Pháp rằng ông "chưa bao giờ" sở hữu một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Ông còn mô tả các cáo buộc chống lại mình là "điên khùng" và "vu khống".

Tổng thống Hollande (trái) đã chỉ trích mạnh hành động phạm luật của Cahuzac

Nhưng chính trị gia từng được mệnh danh là "Ngài Trong sạch" của đảng Xã hội cầm quyền cuối cùng đã phải thừa nhận việc ông có giấu một tài khoản ở nước ngoài . Trong thông báo gửi tới báo chí hôm 2/3, Cahuzac cho biết khoản tiền này lên tới 600.000 euro, đã được ông để tại một tài khoản ở nước ngoài trong 20 năm qua.

"Tôi đã gặp hai thẩm phán điều tra vụ việc trong ngày hôm nay. Tôi xác nhận sự tồn tại của tài khoản mật và đã ra các mệnh lệnh cần thiết để số tiền trong tài khoản này được chuyển trở lại tài khoản của tôi ở Paris" - Cahuzac nói. Ông cho biết thêm khoản tiền này chủ yếu là thu nhập khi ông hành nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và một phần từ các hoạt động tư vấn luật. Ban đầu tiền được để ở Thụy Sĩ, nhưng đã được đưa tới Singapore hồi năm 2009. Số tiền bị xem là trốn thuế của ông Cahuzac lên tới 30.000 euro.

Băng ghi âm bí mật

Thông tin về hoạt động trốn thuế của Cahuzac lần đầu xuất hiện trên trang tin điều tra Mediapart. Trang tin nói rằng tiền của ông để trong tài khoản tại ngân hàng UBS ở Thụy Sĩ và còn tung ra một cuộc ghi âm điện thoại, trong đó một giọng nam giới đã nói: "Điều khiến tôi lo ngại là tôi vẫn còn một tài khoản đang mở ở UBS. UBS không phải là ngân hàng kín đáo nhất".

Tháng trước, một cuộc điều tra pháp lý nhằm vào cáo buộc gian lận thuế đã được mở ra. Cuộc điều tra không nêu Cahuzac là nghi phạm. Tuy nhiên cơ quan công tố nói rằng đoạn băng ghi âm có thể là của Cahuzac và rằng nó đã được ba nhân chứng nhận ra. Vài giờ sau đó, Cahuzac đã từ chức "vì lợi ích của chính quyền", nói rằng ông vô tội. Nhưng ngay khi Cahuzac từ chức, ông đã bị khởi tố với tội gian lận thuế.

Sự nghiệp của Cahuzac coi như đã chấm dứt sau bê bối mới.

Hiện chưa rõ điều gì đã khiến Cahuzac lại công khai thừa nhận về sự tồn tại của tài khoản bí mật của mình. Tuy nhiên tờ Le Temps của Thụy Sĩ cho biết ông đã buộc phải làm thế sau khi nhà chức trách Thụy Sĩ mở cuộc điều tra vào UBS và Reyl et Cie , xác nhận việc ông có tài khoản ở cả hai nơi này.

Từng được xem là trụ cột của nội các trước khi từ chức, ông Cahuzac chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu công và đi đầu trong cuộc chiến chống lại nạn trốn thuế. Thế nhưng giờ đây chuyện đã rõ ràng rằng Cahuzac đang đứng chung hàng ngũ với những người mà ông tìm cách chống lại.

Trong thông báo đưa ra với báo giới, Cahuzac đã kêu gọi việc "tha thứ cho những thiệt hại mà ông đã gây ra cho Tổng thống và chính quyền". Ông cũng gửi những lời xin lỗi "chân thành và sâu sắc" tới nhân dân Pháp. "Tôi đã mắc kẹt trong một vòng xoáy của những lời dối trá và sự lầm đường lạc lối. Tôi vô cùng ân hận" - ông nói.

Thiệt hại lớn về uy tín

Giới phân tích đánh giá vụ bê bối đã đẩy chính quyền Pháp rơi vào khủng hoảng. Phe đối lập đã vớ lấy cơ hội này để chỉ trích Hollande, nhất là cam kết của ông trong việc tạo ra một chính quyền "không thể chê trách được". "Thật khó tin khi Hollande và (Thủ tướng) Jean-Marc Ayrault không biết về chuyện này" - Christian Jacob, lãnh đạo đảng cánh hữu UMP nói.

Về phía mình, Hollande đã nghiêm khắc phê phán hành động nói dối của Cahuzac, coi đây là "một sai lầm về đạo đức không thể tha thứ được". Và trong nỗ lực kiềm chế cơn bão lửa phẫn nộ ngày càng lan rộng ra, Hollande đã vội vã lên sóng truyền hình, khẳng định rằng Cahuzac không được "sự bảo vệ nào" từ chính quyền. Hollande cho biết Cahuzac đã rời khỏi chính quyền theo yêu cầu của ông, ngay khi một cuộc điều tra được mở ra. Ông cũng cam kết sẽ triển khai một đạo luật mới trong mấy tuần nữa về việc "công khai và kiểm soát" tài sản của các bộ trưởng.

Tuy nhiên, thông báo của ông vẫn không làm chấm dứt các câu hỏi ngày càng tăng về việc khi nào chính quyền của ông đã nhận ra sai phạm của Cahuzac. "Ngay cả khi Francois Hollande không biết gì, điều đó cũng có nghĩa ông đã thể hiện sự khờ khạo nhất định. Hoặc có thể ông đã biết về hành động của Cahuzac và như thế, ông đang lừa dối dân Pháp"- Ayrault nói.  

Hollande không nói rõ ông đã biết tin từ khi nào. Nhưng tờ báo điều tra Le Canard Enchaine đưa tin rằng Tổng thống đã thấy chứng cứ sai phạm của Cahuzac từ tháng 12. Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm mà các chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Hollande liên tục sụt giảm, đã rơi xuống mức 31% - tỷ lệ thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2012. 

Khoảng 86% những người tham gia một cuộc thăm dò đã nói rằng vụ bê bối của Cahuzac là rất nghiệm trọng. 6/10 người nói rằng vụ bê bối đã được xử lý quá tệ hại. Được biết nếu tội danh trốn thuế được xác định cho ông Cahuzac với mức án 5 năm tù giam thì sự nghiệp chính trị của ông coi như cũng chấm dứt.

Tường Linh

Đọc thêm