Chính quyền Quảng Ninh hành động vì doanh nghiệp

(PLO) - Tỉnh Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nằm trong “Top 5” tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất đang tiếp tục thực hiện những giải pháp thực tế để xây dựng môi trường kinh doanh “vì doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết, năm 2016 huyện Hải Hà đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Đánh giá này được thực hiện trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Vì thế, ngay đầu năm 2017, huyện đã nhận diện được nguyên nhân của sự “yếu kém” này và xác định rõ, dù chính quyền có làm tốt nhưng nếu thông tin không đến được doanh nghiệp thì sẽ không có tác dụng. 

Vì lý do này, huyện Hải Hà đã liên tục tổ chức các hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp. Riêng trong quý I/2017, Lãnh đạo UBND huyện đã gặp gỡ trên 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhận phản hồi của 22 ý kiến và trả lời 44 kiến nghị của doanh nghiệp. Không chỉ trả lời tại hội nghị tiếp xúc, trực tiếp Chủ tịch UBND huyện còn trả lời kiến nghị bằng văn bản và gửi cho từng doanh nghiệp. Các câu trả lời được công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Với cách làm này, huyện Hải Hà sẽ từng bước cải thiện được hình ảnh của địa phương trong mắt của các nhà đầu tư. Việc làm này của huyện Hải Hải cho thấy, yêu cầu của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được thực hiện từ cơ sở.

Đối với Thị xã Đông Triều, dù là địa bàn phát triển về kinh tế xã hội khá tốt, nhưng năm 2016, Thị xã Đông Triều là địa phương đứng thứ 10/14 trên bảng xếp hạng chỉ số DDCI. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm nay, thị xã đã triển khai mạnh mẽ và quyết tâm nâng cao các chỉ số DDCI. Để tăng điểm về chỉ số tính minh bạch, UBND Thị xã đã kiện toàn Ban biên tập Cổng thông tin điện tử để sử dụng có hiệu quả hơn kênh thông tin này trong việc cung cấp thông tin và các tài liệu, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư của địa phương. 

Ở các Sở, ngành, sự quyết tâm cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện các chỉ số thành phần của chỉ số PCI cũng đang được thực hiện tích cực. Tại Sở Tư pháp, để nâng cao Chỉ số thiết chế pháp lý, Sở đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh xác định địa chỉ hơn 7.000 doanh nghiệp nộp thuế để cung cấp thông tin pháp lý, phổ biến chính sách pháp luật cho từng doanh nghiệp. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, để nâng điểm Chỉ số tiếp cận đất đai, Sở đã thực hiện cách cắt giảm 35% thời gian tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất các dự án được đẩy nhanh tiến độ,

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, 8 tháng năm 2017, đã có 1.580 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký trong tỉnh hơn 14 nghìn. Các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh vượt so với trung bình của các nước ASEAN-4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines); có 6/9 chỉ tiêu đạt và vượt so với quy định tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP; các chỉ số còn lại đều đã đạt bằng mức thời gian theo quy định của Nghị quyết. Các sở, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc quá trình xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai cụ thể của các cơ quan, đơn vị mình; chủ động công bố và cập nhật công khai, kịp thời các cơ chế, chính sách và các quy hoạch của tỉnh, của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu là địa phương dẫn đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, tại cuộc họp ngày 9/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành và địa phương cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI, DDCI. Đồng thời, cần phải nhận diện được những khó khăn, thách thức trong thời gian tới để có những giải pháp kịp thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm đón nhận sự hài lòng ở mức độ cao hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp. 

Như vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chính quyền các cấp phải hành động quyết liệt và các giải pháp có tính thực tế cao cần phải được thực hiện ngay. Với việc các Sở, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực hành động cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải thiện các chỉ số thành phần của PCI đã cho thấy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang thực sự hành động vì mục tiêu luôn ở “Top 5” các địa phương có môi trường đầu tư tốt nhất.

Đọc thêm