Nghị quyết 10 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thuỷ sản thành phố Hải Phòng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Nhiều địa phương và hộ nông dân đều kêu khó khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ.
Quá ì ạch
Nghị quyết 10 của HĐND thành phố ban hành ngày 25-9-2007 được nông dân các địa phương đón nhận như một nghị quyết mở hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết trên thực tế quá chậm. Phải đến tháng 9-2008, sau khi ra nghị quyết của HĐND 1 năm, UBND thành phố mới có quyết định số 1465 ban hành quy chế thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008- 2010. Và cũng phải một thời gian sau, 3 Sở gồm Nông nghiệp- PTNT, Tài chính và Kế hoạch-Đầu tư mới có hướng dẫn số 36 hướng dẫn cụ thể thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo nghị quyết HĐND thành phố. Việc cụ thể hóa Nghị quyết từ thành phố đến các Sở liên quan đã chậm nhưng đến cấp cơ sở còn ì ạch hơn. Đến nay, các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão và quận Dương Kinh chưa hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ chuyển đổi vùng sản xuất tập trung. Theo phản ánh của các địa phương, sự liên kết, phối hợp giữa các ban, ngành liên quan và các địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Đến nay, 3 Sở Tài chính, Nông nghiệp và Kế hoạch- Đầu tư chưa có một bộ hồ sơ mẫu về xin hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết xuống các địa phương khiến cấp cơ sở lúng túng vì mỗi đơn vị hướng dẫn một kiểu…Các huyện khác dù chủ động xây dựng kế hoạch nhưng việc chuyển đổi vùng sản xuất tập trung khá chậm. Chẳng hạn, huyện Kiến Thụy được đánh giá là địa phương thực hiện chương trình này hiệu quả nhưng so với yêu cầu của người dân và các địa phương còn thấp. Huyện xây dựng kế hoạch đến năm 2010, chuyển đổi 21 vùng từ cấy lúa sang trồng rau màu chuyên canh, hoa với diện tích 271 ha ở 13 xã nhưng đến nay, huyện mới triển khai được 2 dự án là sản xuất rau an toàn tại xã Đại Hợp và trồng hoa tại xã Thụy Hương…
Theo nhiều địa phương, sở dĩ việc triển khai trên thực tế chậm là do khó đạt tiêu chí để nhận hỗ trợ vùng chuyển đổi. Ông Bùi Xuân Khải – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết, đối với An Dương, quy định vùng sản xuất tập trung từ 3 ha trở lên là khó. Bởi diện tích đất không tập trung, các cánh đồng nằm xen kẽ. Theo Chủ tịch UBND xã Tú Sơn (Kiến Thụy) Bùi Duy Tông, với đặc thù của xã, diện tích đất nhỏ, manh mún thì việc xây dựng vùng sản xuất tập trung là rất khó. Bởi theo quy định, vùng sản xuất tập trung phải có diện tích 3ha trở lên. Trong khi 2,5 ha không được hỗ trợ, vì thế rất thiệt thòi. Xã Tú Sơn hiện là vùng chuyên canh màu tập trung nhưng diện tích đất bị chia nhỏ cho nhiều hộ, khó tích tụ để được vùng sản xuất lớn. Theo ông Tông, thành phố nên xem xét để vùng chuyển đổi được nhận hỗ trợ là hơn 1 ha thì phù hợp. Ông Bùi Đỗ Nhật, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thủy Nguyên cho biết, yêu cầu diện tích vùng sản xuất tập trung “làm khó” các địa phương. Toàn huyện hiện chỉ có 2 vùng được coi là đạt tiêu chuẩn về diện tích: Vùng sản xuất rau xã Thủy Đường (5ha) và vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 30 ha tại xã Lại Xuân.
|
Ngư dân Đại Hợp (Kiến Thụy) khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 10 của HĐND thành phố để đóng mới tàu cá. |
Thủ tục quá sức nông dân
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Lão cho rằng, thủ tục để được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 10 quá nhiều và quá sức cả địa phương và nông dân. Theo hướng dẫn số 36 của liên Sở Tài chính, Nông nghiệp- PTNT và Kế hoạch-Đầu tư, hồ sơ để được nhận hỗ trợ kinh phí của một trang trại chăn nuôi gồm 7 loại giấy tờ. Trong đó, có những yêu cầu người dân rất khó thực hiện nếu không có sự giúp sức của cơ quan chức năng, cán bộ chuyên ngành, chẳng hạn như phải có trích lục bản đồ thửa đất, làm bản cam kết môi trường…Ông Trịnh Khắc Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Theo quyết định 1450 ngày 8-9-2008, của UBND thành phố, để nhận được hỗ trợ, các xã có vùng chuyển đổi phải lập kế hoạch hoặc dự án. Đối với hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất tập trung, được hỗ trợ kinh phí 1 lần để cải tạo hạ tầng sản xuất phải lập kế hoạch cụ thể như: hiện trạng nơi xây dựng vùng sản xuất tập trung; nêu rõ phương án tổ chức lại nông hộ, dồn điển đổi thửa…; phương án chuyển đổi sang đối tượng cây trồng, con vật nuôi, sơ đồ thiết kế mỹ thuật mặt bằng sau khi chuyển đổi; kỹ thuật, công nghệ sản xuất và phương án đầu ra của sản phẩm…và đối với khu vực chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản cần đánh giá tác động môi trường và phương pháp xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Để lập được kế hoạch mất không ít thời gian, sau đó chờ thành phố phê duyệt dự án. Đối với các xã và người nông dân trình độ có hạn thì những thủ tục, hồ sơ như trên không dễ dàng. Để đạt yêu cầu về thủ tục, nhiều địa phương, chủ trang trại phải thuê cán bộ chuyên ngành viết dự án, bản cam kết môi trường hộ, mất khá nhiều kinh phí. Tuy nhiên, không phải người dân và chính quyền cấp cơ sở nào cũng có kinh phí để thực hiện.
Ông Bùi Đình Mục, chủ trang trại xã Tân Viên (An Lão) bày tỏ bức xúc: “Việc làm thủ tục vay vốn với ngân hàng cũng có nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, muốn được nhận hỗ trợ mua máy cơ khí phải có hoá đơn đỏ hay nông dân phải mở tài khoản tại kho bạc thành phố để được cấp phát kinh phí vì các khoản chi của ngân sách Nhà nước phải được thanh toán qua kho bạc Nhà nước. Hay vấn đề lãi suất, tại quyết định ghi rõ được hỗ trợ lãi suất trong 3 năm, khiến người dân hiểu rằng mức lãi suất hỗ trợ không thay đổi trong 3 năm nhưng thực tế, do phải trả gốc và lãi định kỳ 6 tháng/lần thì mức hỗ trợ lãi suất người dân được hưởng thực sự lại giảm đi.”
Chính vì những nguyên nhân này, mới có nghịch lý, số kinh phí được cấp cho thực hiện nghị quyết dù ít ỏi nhưng cũng không thể giải ngân được. Chẳng hạn, năm 2009, thành phố bố trí vốn cho thực hiện nghị quyết là 10 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 3 tỷ đồng. Kinh phí bố trí cho năm 2010 là 15 tỷ đồng nhưng đến nay cũng chưa giải ngân được. Nhiều địa phương vẫn loay hoay khâu làm thủ tục xin hỗ trợ kinh phí.
Từ thực tế trên cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 còn nhiều bất cập cần bổ khuyết kịp thời để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống./.
Hoàng Yên