Chính sách mang đến niềm tin an tâm cũng là điều hay, không nên nhạo báng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ khi nằm trọng bụng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, người Việt Nam đều có những ràng buộc về tâm linh, phong tục. Nhiều người cho rằng cuộc sống của họ ngoài sự nuôi dưỡng của cha mẹ còn phụ thuộc vào... số trời.
Chính sách mang đến niềm tin an tâm cũng là điều hay, không nên nhạo báng

Cụ Nguyễn Du từng nói: “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Để thích nghi với môi trường sống, tạo nên một tinh thần Việt, người Việt quan niệm: “Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành”.

Dù chuyện tinh thần đó không luật hóa cụ thể, nhưng tín ngưỡng con người luôn được nhà nước tôn trọng, coi đó là quyền tự do tín ngưỡng.

Người Việt kiêng đủ thứ, đẻ con vẫn gắng chọn ngày lành tháng tốt, rồi đặt tên con cho nó xấu đi như thằng Cò, cái Hĩm, cái Đĩ…với dụng ý không có gì đẹp đẽ để tránh tà ma dòm ngó, quấy nhiễu…

Bao quanh một đời người rất nhiều con số. Con số chính là ngày tháng. Họ chọn ngày đề gieo trồng, chọn ngày cất nhà mới hay xây mồ mả cho ông bà… Con cái trưởng thành thì chọn ngày đẹp để dạm ngõ, kết hôn. rồi khi người qua đời họ xem giờ nhập quan, giờ đưa ra đồng… Đi làm ăn, buôn bán thì nhắc nhở nhau “chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”. Chuyện đó rất quan trọng và không còn là chuyện mê tín dị đoan.

Sự kiêng kỵ đó không có thống kê về mặt khoa học cụ thể, ví như đi ngày 7 thì mất tiền, hại người sao? Nhưng nó có những số liệu mang tính tương đối rằng ngày đó là vận xui.

Chuyện dân gian đồn thổi nửa thực nửa mơ, nhưng rồi lại thực vì có người đã thấy việc đó, chứng kiến điều đó, khiến ngày tháng, con số, giờ giấc trở thành một quy ước trong đời sống tâm linh của con người. Tốt nhất là tránh xa hơn là không tránh.

Mới đây, một vị đại biểu Quốc hội cho rằng không nên gắn con số 49 và 53 vào cuối biển số xe. Dân tình xôn xao, bàn tán, cười nhạo cho rằng tại sao giữa diễn đàn Quốc hội lại bàn chuyện “mê tín dị đoan”. Số nào cũng chỉ là một con số, nhiều người mang biển số xe lộc phát như 68 còn đi tù, thiệt mạng…

Chuyện vậy mà cứ bàn tán râm ran trong cộng đồng. Hầu hết là các ý kiến mỉa mai các vị đại biểu Quốc hội.

Tôi thấy điều đó thật trớ trêu và ngược đời. Tại sao ai cũng sợ bước sang tuổi 49 và 53, nhưng họ là chê bai ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Sự thật trong đời người khi bước sang tuổi 49 hay 53, con người hay dính vào bệnh tật, dẫn đến thiệt mạng. Điều sợ hãi đó khiến người đời sợ mang con 2 con số gắn bó với mình.

Dĩ nhiên, không phải ai bước vào tuổi đó cũng mất mát. Có người bước qua nhẹ nhàng, khỏe mạnh, làm ăn tấn tới. Nhưng cái thống kê mất mát nó nhiều hơn, nên người đời sợ và kiêng khem là phải ý.

Chuyện con số xấu đẹp không phải ở nước ta mới bàn. Người Thái Lan coi số 6 là không tốt nhưng lại thích chữ số 9 vì tiếng thái phát âm số 9 trùng với âm chữ "phát triển". Hằng năm cứ 6 tháng một lần, sở giao dịch đường bộ Thái Lan lại tổ chức bán đấu thầu "Biển đăng ký xe may mắn". Biển đăng ký xe có chữ số 9 thường được bán hết trước.

13 là con số hầu như bị cấm kị trong đời sống hằng ngày của người Philippines. Trong bảng hiển thị trên thang máy lên xuống ở các chung cư không có số 13 và trong các khách sạn tầng 13 cũng không được ghi lên. Cũng giống như một số các nước phương Tây, nếu ngày 13 rơi vào thứ 6 thì hầu như người dân Philippines không ra khỏi nhà bởi nó sẽ hứa hẹn một ngày cực kỳ tồi tệ.

Bàn chuyện con số hên xui trong nghị trường cũng không phải điều gì bất hợp lý khi điều đó mang đến sự an tâm cho người dân. Đã có nhiều người dân lo lắng khi bấm phải biến số xe có đuôi 49 hay 53, dù ai cũng biết rằng vận mệnh con người chưa chắc đã do biển số xe. Nhưng chuyện tín nó đã vậy rồi nên khó mà thay đổi được.

Khó để kết tội con số 49 hay 53 là “hạn nặng”, nhưng tục lệ dân gian nó đã vậy từ lâu. Niềm tin đã trở thành một “quy ước ngầm” trong dân gian.

Nên chuyện làm chính sách mang đến niềm an tâm về tinh thần cho nhân dân cũng là điều hay, không nên nhạo báng.

Đọc thêm