Chính sách ưu đãi của Đà Nẵng đối với sự nghiệp “trồng người”

Từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ở một số trường học, nhằm đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân tài. Đến thời điểm này, rất ít địa phương trên cả nước thực hiện những chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người thầy như ở Đà Nẵng. Và trong những năm gần đây, giáo dục-đào tạo đã trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố động lực của miền Trung-Tây Nguyên.

Từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ở một số trường học, nhằm đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân tài. Đến thời điểm này, rất ít địa phương trên cả nước thực hiện những chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người thầy như ở Đà Nẵng. Và trong những năm gần đây, giáo dục-đào tạo đã trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố động lực của miền Trung-Tây Nguyên.

Nhờ có chính sách ưu đãi đặc thù cho giáo dục - đào tạo, những năm qua chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông đã có những chuyển biến đáng kể. TRONG ẢNH: Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh tặng bằng khen cho học sinh đỗ thủ khoa Đại học năm 2010.

Từ chăm lo đội ngũ cán bộ, giáo viên...

Sự nghiệp “trồng người” trong những năm qua luôn được thành phố quan tâm đầu tư đúng mức. Nổi bật nhất là năm học 2003-2004, UBND thành phố quyết định đầu tư xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo hướng trường chất lượng cao, là “cái nôi” bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho thành phố. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường ngoài hưởng 70% phụ cấp đứng lớp theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, còn được hưởng thêm 100% phụ cấp do thành phố đãi ngộ. Và dĩ nhiên, những cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tuyển dụng, sàng lọc một cách kỹ lưỡng, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt.

Trải qua thời gian hoạt động của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở cơ sở mới, chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến đáng kể. Điều này cho thấy, việc đầu tư đã mang lại hiệu quả cao. Cũng từ ngày về trường mới, thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã mang lại rất nhiều vinh quang cho thành phố, với hàng loạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế mà học sinh nhà trường đã đoạt được.

Trong những năm gần đây, UBND quận Liên Chiểu đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho Trường THCS Lương Thế Vinh. Và bắt đầu từ năm học 2010-2011, nhà trường được chọn xây dựng mô hình trường trọng điểm giai đoạn 2010-2015. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là phấn đấu đến năm 2015, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ cho Trường THCS Lương Thế Vinh, qua đó khẳng định được chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện đang công tác tại trường, ngoài việc được hưởng phụ cấp đứng theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ được UBND quận Liên Chiểu phụ cấp ưu đãi thêm 10%.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu, việc đầu tư xây dựng Trường THCS Lương Thế Vinh trở thành trường trọng điểm giai đoạn 2010-2015 và thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên như trên sẽ là một động lực quan trọng cho sự phát triển giáo dục-đào tạo trên địa bàn. Với chế độ đãi ngộ xứng đáng này, giáo viên có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống và cống hiến hết sức mình trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. 

...Đến tầm nhìn xa trong đào tạo hiền tài

Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, UBND thành phố đã có quyết định mang tính đột phá nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đó là ban hành các Đề án 32 “Hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài, dành cho học sinh THPT bằng nguồn ngân sách Nhà nước” và Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài. Đây là quyết định đúng đắn, kích thích tinh thần học tập, phấn đấu vươn lên của thế hệ trẻ. Với Đề án 32, trong những năm đầu, số học sinh giỏi, đủ tiêu chuẩn tham gia Đề án chủ yếu là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đến những năm sau này, nhiều học sinh ở các Trường THPT như Phan Châu Trinh, Phan Thành Tài… cũng tham gia đề án.  

Tính đến thời điểm hiện nay, Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ đã có 73 người được cử đi đào tạo và đã có 36 người tốt nghiệp được phân công công tác; Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước, đã có gần 300 lượt người theo học, trong đó có 79 người đã tốt nghiệp (có 57 người đã được phân công công tác và số còn lại học chuyển tiếp sau đại học). 

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo đánh giá, với những chính sách đặc thù của thành phố trong thời gian qua, đã tạo động lực rất lớn trong việc kích thích đội ngũ cán bộ, giáo viên cống hiến sức mình cho sự nghiệp “trồng người”. Cùng với đó, việc thành phố hỗ trợ ngân sách cho học sinh THPT học ĐH trong nước và nước ngoài đã thể hiện mục tiêu đúng đắn trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

Đọc thêm