Chính thức đề xuất phương án đánh thuế “biệt thự bỏ hoang”

Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính vừa chính thức đề xuất lãnh đạo bộ này các biện pháp “đánh vào kinh tế” để xử lý tình trạng nhà, đất “bỏ hoang”.

Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính vừa chính thức đề xuất lãnh đạo bộ này các biện pháp “đánh vào kinh tế” để xử lý tình trạng nhà, đất “bỏ hoang”.

Nhiều giải pháp, ít khả thi…

Để giải quyết vấn đề đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng mà dư luận vẫn gọi là nhà, đất “bỏ hoang”, TP.Hà Nội đã đưa ra giải pháp nếu qua thời hạn quy định, khách hàng không hoàn thiện biệt thự, chủ đầu tư sẽ phải mua lại biệt thự theo giá có tính đến lãi suất ngân hàng để bán cho các khách hàng có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, đây là đề xuất khó khả thi vì sau khi bán biệt thự, chủ đầu tư đã dùng tiền có được quay vòng vốn đầu tư các dự án khác nên sẽ có khó khăn về vốn để mua lại các biệt thự bỏ hoang.
Một giải pháp khác là Nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về điện, đường giao thông, cấp nước... thì cũng sẽ góp phần khuyến khích người dân đến ở. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ giải quyết được đối với các trường hợp thực sự có nhu cầu về nhà ở, còn việc đầu cơ thì không giải quyết được, mà đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên.

BT.jpg

Về giải pháp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2003 (sử dụng không hiệu quả)  thì đúng luật nhưng trên thực tế việc thu hồi là rất khó khăn. 

Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu để trình Chính phủ quy định việc không cho phép phân lô bán nền, không cho xây dựng thô mà phải hoàn thiện trước khi bàn giao nhà cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ giải quyết được việc hoàn thiện nhà theo đúng quy hoạch, thiết kế, đảm bảo cảnh quan đô thị chứ không giải quyết dứt điểm tình trạng chưa đưa nhà, đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai và cũng không giải quyết được các trường hợp đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà phân lô, nhà liền kề bỏ hoang, không hoàn thiện đã và đang tồn tại như hiện nay.

Đánh vào kinh tế

Chính sách thu hiện hành liên quan đến nhà, đất bao gồm 7 khoản thu chính là: chính sách thu tiền sử dụng đất; chính sách thu tiền thuê đất; chính sách thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà, đất; thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất; lệ phí trước bạ. Đây là chính sách thu được đánh giá khá đầy đủ.


Theo quan điểm vừa được Bộ Tài chính đưa ra, để giải quyết tình trạng đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng trong các khu đô thị, dự án xây dựng nhà ở như hiện nay thì ngoài các giải pháp nêu trên, việc đưa ra các biện pháp kinh tế và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết. Qua đó, cần xây dựng quy định đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng là đất chưa sử dụng theo đúng quy định và phải chịu thuế suất cao (thuế suất 0,15%) theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Phương án này đã có cơ sở pháp lý, thực hiện từ 01/01/2012 cùng với việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Không những thế, khi đã xác định đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng là đất chưa sử dụng theo đúng quy định thì đây cũng là hành vi vi phạm đã được quy định tại Luật đất đai 2003 và phải được xử lý theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Khi đó, cần xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng tăng mức phạt đối với đất dự án chậm đưa vào sử dụng tại Điều 20 và bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng sau một thời gian nhất định.

Bộ Tài chính, cụ thể là Vụ Chính sách thuế, tin rằng, các biện pháp “đánh vào kinh tế” sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nhà, đất “bỏ hoang”.

H.Thủy

Đọc thêm