Chính thức đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Ngày 30-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã chính thức tiếp nhận việc quản lý và đưa vào vận hành Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Ngày 30-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã chính thức tiếp nhận việc quản lý và đưa vào vận hành Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy được bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành là Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn.
 

Lễ bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Chinhphu.vn)
Lễ bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trước đó, ngày 29-5, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã ký văn bản nghiệm thu cho phép công trình được đưa vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, hiện Nhà máy đang vận hành 100% công suất thiết kế, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng. 141 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác vận hành Nhà máy trong giai đoạn đầu cho đến khi các kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ này, thời gian khoảng 2 năm.

Qua 44 tháng xây dựng, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành và đưa vào vận hành, cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào ngày 22-2-2009.

Ngày 25-5, quá trình chạy nghiệm thu thành công, nhà máy đã vận hành đạt 100% công suất thiết kế, đảm bảo sản xuất tất cả các chủng loại sản phẩm theo đúng thiết kế, đạt chất lượng cao, được cấp chứng chỉ đúng theo qui định. Các chứng chỉ về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường... đã được các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp đầy đủ.

Đến ngày 29-5, nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn còn 7 điểm tồn tại và 34 lỗi kỹ thuật nhỏ tuy không ảnh hưởng đến an toàn vận hành sản xuất và chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này, Tổ hợp nhà thầu TPC lên lịch chỉnh sửa trong giai đoạn đầu của thời gian bảo hành công trình, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và PVN chấp nhận.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho PVN triển khai thực hiện tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước.

Tính đến cuối tháng 5-2010, số lượng dầu thô Bạch Hổ đã nhập vào nhà máy khoảng trên 4 triệu tấn phục vụ chạy thử, chạy nghiệm thu. Nhà máy đã chế biến được trên 3,2 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng và tiêu thụ trên thị trường 3 triệu tấn các loại gồm khí LPG, Propylen, xăng A95, xăng A92, dầu hoả, xăng máy bay phản lực Jet A1, diesel (DO), dầu (FO). Trong tháng 6 tới, sản phẩm xăng Jet A1 dành cho máy bay sẽ được xuất xưởng.

Theo Chinhphu.vn, TTXVN

Đọc thêm