Chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

(PLO) - Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào ngày 31/12 vừa qua. Nhiều cơ hội được mở ra và thách thức cũng không phải ít với cộng đồng doanh nghiệp và trong hành trình cạnh tranh khốc liệt đó. Và sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước là điều được kỳ vọng nhiều nhất…
AEC mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
AEC mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
“Chơi” cùng lúc với 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Thông tin từ  Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, đến nay Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 220 nước và vùng lãnh thổ. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 9 năm trước, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (FTA) với nhiều nước trong khu vực và thế giới. 
“Các FTA là một dạng thức đặc biệt của hội nhập kinh tế quốc tế với những cam kết ở mức ưu đãi đặc biệt, thị trường được mở cửa rộng hơn, nhanh hơn so với WTO…”- ông Trịnh Minh Anh,  Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhấn mạnh. Ông Minh Anh cũng lưu ý, với 11 FTA đã được ký kết, đến nay Việt Nam đã có quan hệ FTA với 5 khu vực thị trường lớn nhất thế giới và có quan hệ FTA với 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Do đó, năm 2015 là năm bản lề của hội nhập kinh tế quốc tế, là năm chúng ta bắt đầu thực hiện chiến lược xoay trục thị trường từ Đông Bắc Á sang châu Âu, châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế thương mại nhằm hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc. Hội nhập quốc tế hiện nay không còn là xu thế nữa mà đã trở thành một thực tế khách quan…”, ông Trịnh Minh Anh khẳng định.
Cơ hội nhiều, thách thức không ít
Với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế (AEC, TPP, FTA VNEU...) có hiệu lực, theo dự báo sẽ có tác động lớn hơn nhiều các cam kết trong khuôn khổ WTO cũng như các hiệp định trước đây. 
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, sự ra đời của AEC trong năm tới sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025. “Trên quy mô tổng thể, hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả…”- báo cáo lưu ý.
Theo ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng ASEAN (Bộ Ngoại giao), sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và việc triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. 
Cụ thể, đối với doanh nghiệp (DN) sẽ có cơ hội chính như có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. 
Tuy nhiên, các DN cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số DN với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt…
Ông Trịnh Minh Anh cũng lo ngại, trong cuộc cạnh tranh đó các DN nhỏ và vừa của Việt Nam khó trụ được nếu không có sự nỗ lực thực sự. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế có nghĩa là phải tuân thủ các định chế, các cam kết quốc tế nên tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ ngày càng sâu sắc hơn, điều đó cũng có nghĩa là làm tăng sự tùy thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào các thị trường bên ngoài, khiến nền kinh tế và các DN Việt Nam có thể bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế. 
Theo ông Anh, bên cạnh nỗ lực của các DN trong việc chủ động tìm hiểu, nắm vững các cam kết, lộ trình hội nhập; tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; nắm bắt thời cơ để có những điều chỉnh…, thì DN cũng cần kịp thời phản ánh thực tiễn cũng như vướng mắc trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cho các bộ, ngành liên quan; chủ động tham gia, đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đàm phán và xây dựng chính sách kinh tế thương mại quốc tế. 
“Bộ Công Thương, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế luôn sẵn sàng cung cấp các thông tin về hội nhập kinh tế, luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của các DN để xây dựng các chính sách quản lý, điều hành phù hợp và hỗ trợ sự phát triển của ngành…”- Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế khẳng định…

Đọc thêm