Chờ đợi Vàng...

Tham gia tranh tài trong 9/12 nội dung còn lại của vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), mục tiêu của Đoàn Thể thao Đà Nẵng được xác định khá rõ với mức phấn đấu không dưới 15 HCV. Đây là một thách thức không nhỏ, song không quá lớn bởi Đoàn Thể thao Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn của thành phố. Đồng thời, từ thất bại của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006), Thể thao Đà Nẵng cũng rút ra được những bài học quý giá cho mình.

Tham gia tranh tài trong 9/12 nội dung còn lại của vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), mục tiêu của Đoàn Thể thao Đà Nẵng được xác định khá rõ với mức phấn đấu không dưới 15 HCV. Đây là một thách thức không nhỏ, song không quá lớn bởi Đoàn Thể thao Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn của thành phố. Đồng thời, từ thất bại của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006), Thể thao Đà Nẵng cũng rút ra được những bài học quý giá cho mình.

Đội bơi tiếp sức nam, những hy vọng Vàng của Đoàn Thể thao Đà Nẵng.

Sự nghiêm túc của ngành TDTT, thông qua việc xây dựng và thực hiện chiến lược suốt tiến trình chuẩn bị đã giúp Đoàn Thể thao Đà Nẵng giành được 23 HCV, 18 HCB, 24 HCĐ, vượt 9 HCV so với chỉ tiêu ban đầu… sau khi kết thúc giai đoạn 1. Trước thềm vòng chung kết, Đoàn Thể thao Đà Nẵng đang ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng tạm thời, như dự kiến.

Trong 9 đội tuyển dự tranh vòng chung kết, cử tạ, bơi lặn, đua thuyền, điền kinh, billiards vẫn được đặt nhiều hy vọng để hoàn thành chỉ tiêu Vàng lẫn thứ hạng chung cuộc cho Đoàn Thể thao Đà Nẵng. Ngoài bơi lặn được chuẩn bị rất tốt và tràn đầy tự tin, đua thuyền cũng được kỳ vọng với Lưu Văn Hoàn và các đồng đội thì cử tạ, điền kinh - dù lo âu - vẫn không thiếu hy vọng.

Sự hụt hẫng về “sự cố doping” của Hoàng Anh Tuấn là không thể chối bỏ. Nhưng ngay sau giải Vô địch quốc gia 2009, cái tên Trần Lê Quốc Toàn đã đủ sức lấp đầy “khoảng trống” của Hoàng Anh Tuấn. Nếu Anh Tuấn chỉ mang lại quá nhiều thất vọng khi thảm bại tại SEA Games 2009 rồi giải Vô địch thế giới 2010 và bị loại trước thềm Guangzhou 2010 thì Quốc Toàn trở thành một điểm sáng đáng tự hào của Thể thao Đà Nẵng. Không giành được huy chương tại Guangzhou 2010, nhưng thành tích tổng cử 261kg (cử giật 116kg và cử đẩy 145kg) để xếp hạng 5, chàng trai 21 tuổi này đã vượt qua thành tích Vô địch quốc gia của chính mình đến 4kg. Chắc chắn, đây chưa phải là giới hạn cuối cùng khi “điểm rơi” của anh vẫn không ở ASIAD 16. Rồi còn đó những Dương Quốc Phong, Tô Vĩnh Khang; trong đó, Khang từng giành HCV Vô địch quốc gia 2009 nội dung cử giật (hạng 85kg) trước khi bỏ cuộc do chấn thương.

Với điền kinh, cũng xuất hiện nỗi lo bởi “những thành tích HCV lại khá bấp bênh...” tại giải Vô địch quốc gia 2009.

Do gánh nặng tuổi tác, Nhật Thanh đã được “giảm tải” khi chỉ đặt mục tiêu “phấn đấu” vô địch ở một trong hai nội dung nhảy xa hoặc nhảy 3 bước. Ngược lại, Thanh Phúc (đi bộ nữ) hầu như chưa có đối thủ tương xứng. Bên cạnh đó, Nguyễn Thanh Ngưng (đi bộ nam) cùng Hành Hương, Trương Văn Tiên (nhảy sào nam), Ngô Thị Ánh (ném đĩa nữ) và Nguyễn Thị Mộng Mơ (400 mét rào nữ) đang là những gương mặt được kỳ vọng lớn. Theo HLV Phạm Tấn Đạt, Điền kinh Đà Nẵng vẫn còn không ít “vũ khí bí mật” trong chiến dịch 2010. Ngay như Ngọc Ly cũng chưa hẳn mất đi hy vọng giành lại ngôi vô địch khi cựu kỷ lục gia ném búa nữ đang được tập trung đầu tư khá tốt.

Trong binh pháp Tôn Tử, có câu: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại” (Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại). Cho nên, có thể tin vào một thành công mới khi lúc này đây, Thể thao Đà Nẵng đã xác định được vị trí và vị thế của mình trên bản đồ Thể thao Việt Nam với một niềm tin chiến thắng...

BẢO AN

Đọc thêm