Chở gió trên những chuyến xích lô

Ở Huế, nói đến Nguyễn Văn Phương rất ít người biết nhưng Phương Xích Lô thì trong giới văn nghệ sĩ và những người hành nghề đạp xích lô hầu như ai cũng biết. Phương từng là “đệ tử” của Bùi Giáng. Lối sống bụi bặm, tự nhiên, say tỉnh của anh ít nhiều chịu ảnh hưởng thi sĩ họ Bùi.

Ở Huế, nói đến Nguyễn Văn Phương rất ít người biết nhưng Phương Xích Lô thì trong giới văn nghệ sĩ và những người hành nghề đạp xích lô hầu như ai cũng biết. Phương từng là “đệ tử” của Bùi Giáng. Lối sống bụi bặm, tự nhiên, say tỉnh của anh ít nhiều chịu ảnh hưởng thi sĩ họ Bùi.

Nếu sưu tầm đầy đủ thơ Phương Xích Lô, tôi chắc phải có đến hàng nghìn bài. Bài thơ đầu tiên để người đọc biết đến Phương Xích Lô là bài “Gửi bác xích lô Hà Nội” do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chọn đăng ở tạp chí Sông Hương. Bút hiệu Phương Xích Lô cũng do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và anh chị em trong tòa soạn tạp chí Sông Hương thời ấy đặt cho. Rồi tạp chí Cửa Việt (thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng biên tập) chọn in chùm thơ ba bài của Phương, có cả ảnh chân dung và lời giới thiệu hết sức trang trọng.

Thơ Phương được nhiều người biết đến từ đó. Riêng tôi, tôi đặc biệt yêu mến những bài thơ của Phương viết về nghề đạp xích lô. Lúc mới vào Huế, nhìn những người gò lưng đạp xích lô trên đường Lê Lợi, tôi từng chia sẻ: Thương bác xích lô chở khách / vai áo bạc màu nắng mưa (Bài thơ gửi lại). Nhưng dẫu sao tôi cũng chỉ là người ngoài “thương vay, khóc mướn”. Phương mới là người trong cuộc viết về mình và đồng nghiệp của mình: Những lúc về khuya, còn ai thấy bác

Người phu già lăn bóng dọc đường trăng

(Gửi bác xích lô Hà Nội).

Một hình ảnh vừa rất hiện thực vừa rất lãng mạn. Chính vì cũng làm “nghề như bác”, “cùng đời xích lô dãi nắng, dầm sương” nên Phương vừa thông cảm vừa đồng cảm:

Có những lúc gác xe vào quán rượu

Mượn Lưu Linh đuổi hết nỗi nhọc nhằn

Rồi đón khách nơi đầu ga cuối chợ

Ngày có, ngày không lặng lẽ qua dần...

Tất cả những người làm nghề đạp xích lô trên mọi miền đất nước đều tìm thấy hình bóng của mình trong những câu thơ ấy của Phương. Đây là hình ảnh người đạp xích lô Nam Bộ ra tham quan Huế, ngồi trên xe Phương: Đời đã từng trải qua nhiều nỗi khổ

Anh hiểu sâu về những giọt mồ hôi

Khi gặp dốc cao anh liền nhảy xuống

Chia sẻ cùng tôi chút nặng nhọc một thời...

Phương có những câu thơ mà giới xích lô rất khoái, bởi cái cách nói ngang tàng, hóm hỉnh của anh:

Rơi xuống cuộc đời không chao đảo

Vững vàng ba bánh đỡ xích lô

(Xích lô hành)

Hay: Vắng khách đôi khi về chở gió

Không tiền, không bạc vẫn cười vang

(Giọt nước Hương Giang).

Người ta nói thơ là người, Phương Xích Lô cũng không ngoại lệ. Nhưng ở Phương có hai con người: con người bên ngoài và con người bên trong; con người bụi bặm và con người tinh chất... Có điều, con người bên trong, con người thật ở Phương phần nào bị khuất lấp. Vì thế mà sinh thời không ít người chê cười, xa lánh Phương. Đọc thơ Phương ta bắt gặp cả “ngàn cuộc say”:

Ta say hề, đêm nay ta xỉn

Ngất ngưởng đi về giữa khói sương...

(Độc túy hành).

Và anh có biệt danh Phương Say, Phương Điên. Thì chính Phương, Phương cũng tự coi mình là một “thằng điên”:

Tục chẳng tục

Tiên không tiên

Lúc vui xuống phố

Khi phiền lên non...

(Chân dung tự họa)

Con người thật của Phương như:

Chút lửa trên đống tro tàn

Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say...

(Tôi còn chút tôi)

Mặc dù là “chút lửa” thôi, dù là “chút trong veo” thôi nhưng nó cho ta biết vẻ đẹp tâm hồn của Phương mà cả “đống tro tàn” hay cả “ngàn cuộc say” cũng không thể làm lu mờ được. Vẻ đẹp đó trước hết là cái tình người của Phương. Anh không chỉ chia sẻ vui buồn với những đồng nghiệp đạp xích lô mà còn chia sẻ niềm cảm thông sâu sắc của mình đối với người bạn ngồi bán thuốc lá vỉa hè, với em bé bán trứng vịt lộn, với cô công nhân vệ sinh môi trường, với bé Thượng gùi thông ra chợ... Đọc thơ Phương ta còn hiểu được tấm lòng vị tha của Phương. Với kẻ đã cuỗm đi một phần hạnh phúc của Phương, anh chỉ nói một cách nhẹ nhàng “hôm qua chú Cuội khoèo rơi trái rằm”. Bị người yêu “đá”, Phương chỉ mỉm cười cay đắng:

Em đá vào tôi một trái buồn

Còn tôi đá lại trái cô đơn

Đôi ta đều bỏ khung thành trống

Chẳng thấy bên nào có thủ môn

(Trái buồn)

Với người vợ đã từng lôi Phương như “lôi một con trâu ra tòa ly dị”, Phương không những không hề oán giận mà còn luôn quan tâm, tưởng nhớ đến nàng: Ta chợt nhớ mười ngón tay gầy guộc

Em bên trời còn gảy tiếng đàn tranh?

(Xin lại)

Con người dở tỉnh, dở điên ấy lại yêu ghét hết sức phân minh, rạch ròi. Phương yêu mến, cảm phục sự chân thật của người đạp xích lô Nam Bộ, Phương ca ngợi vẻ đẹp thầm lặng của cô công nhân vệ sinh môi trường:

Em như quỳnh nở trong đêm vắng

Hương thầm tỏa nhẹ dưới trăng thanh...

Phương tự hào với công việc làm ăn lương thiện của người bạn bán thuốc lá vỉa hè. Họ đối lập với “phường giả trá, bất lương”. Phương chúa ghét những kẻ “đóng kịch”:

Vào vai đội mão mang hia

Ra vai trả lại râu ria cho đời.

Phương cũng chúa ghét những kẻ “tán tụng ba hoa”... Với một tâm hồn nghệ sĩ, Phương có những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về vẻ đẹp thiên nhiên:

Hồ Gươm say theo chiều Lý Bạch

Thiên hạ bảo thất tình

Nước hồ mát như da con gái

Ta về làm rể Thủy...

(Ký ức Hà Nội)

Phương “lục bát” với Hương Giang:

Dòng sông như vị thiền sư

Chiều nay

Lặng lẽ vô tư nhìn trời...

So sánh nước hồ Gươm “mát như da con gái”, còn sông Hương “như vị thiền sư” là hết sức bất ngờ và mới lạ. Phương nghe cũng không giống bất cứ người nào:

Đêm nay bỏ phố về làng

Nghe xanh tiếng hát

Nghe vàng lời kinh...

(Tâm khúc)

Đó là bản năng thi sĩ của Phương, là tài thơ bẩm sinh của Phương. Những vần thơ tài hoa đó sẽ còn lại với cuộc đời.

Bốn mươi chín bài thơ trong tập Chở gió mà những người bạn thân thiết của Phương: Nhất Lâm, Phạm Nguyên Tường, Lương Ngọc An... đã bỏ công sức sưu tầm, chọn lọc, công bố chính là “Chút lửa trên đống tro tàn/ Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say”. Chở gió là tinh chất cuộc đời Phương, để Phương có thể tự tin mà nói với thiên hạ rằng:

Trông lên hơn hẳn lũ công cò!

Tôi viết những dòng này thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ người bạn thơ hành nghề đạp xích lô ở Huế đã “siêu thoát” cách đây tám năm trên dòng mương trong mát.

Huế, tháng 6-2010
MAI VĂN HOAN

Đọc thêm