Cho một thành phố du lịch tràn đầy năng lượng

Xuân Tân Mão mở đầu cho một chặng đường mới của du lịch Lâm Đồng khi lượng du khách vượt qua ngưỡng 3,1 triệu lượt người. Kỳ vọng cho một thành phố du lịch phát triển với nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn, đáp ứng được kỳ vọng của những ai yêu mến thành phố, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với họ.…
Xuân Tân Mão mở đầu cho một chặng đường mới của du lịch Lâm Đồng khi lượng du khách vượt qua ngưỡng 3,1 triệu lượt người. Kỳ vọng cho một thành phố du lịch phát triển với nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn, đáp ứng được kỳ vọng của những ai yêu mến thành phố, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với họ.…

* Ông Nguyễn Xuân Xanh - Việt kiều Đức, vị khách du lịch thứ 3,1 triệu:
Ông Nguyễn Xuân Xanh
XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HOA, THÀNH PHỐ TRÍ TUỆ

Đà Lạt là thành phố mà tôi vô cùng yêu mến. Tôi đã đến đây nhiều lần, mỗi lần đều cảm thấy bâng khuâng với một thành phố của thiên nhiên, giàu nét văn hóa đô thị phương Tây, vừa hiền hòa, vừa lịch lãm, vừa giản dị, vừa tươi trẻ. Đó là một vật báu du lịch của Việt Nam.

Để phát triển xứng tầm, tôi nghĩ rằng Đà Lạt vừa phải bảo vệ hình ảnh của mình vừa phải biết làm mới mình để nhiều bạn bè biết tới. Đến Đà Lạt, khách muốn sống trong không gian có nhiều hoa. Thành phố nên phát động người dân trồng hoa từ ngoài đường vào đến sân vườn như một Đà Lạt của ngày trước, hoa có bàn tay chăm sóc của con người để bền bỉ cả năm. Văn hóa ứng xử, giao tiếp từ sân bay, đến khách sạn, đến điểm du lịch và đặc biệt là của người dân sẽ tạo cảm nhận gần gũi với khách.

Là một nhà toán học, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng Đà Lạt thành hình ảnh một thành phố trí tuệ. Đà Lạt cần tạo hấp lực để xây dựng các viện nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, mời những nhân vật uy tín đến Đà Lạt và có cách thức tuyên truyền hiệu quả về các chuyến viếng thăm đó. Từ đó, danh tiếng của thành phố được bật lên. Những hoạt động như tổ chức giải cờ vua - một môn thể thao trí tuệ cũng là hoạt động nên nghiên cứu để phát triển. Chúng ta nên có niềm hãnh diện về thành phố để bảo tồn niềm hãnh diện đó.

* Ông Nguyễn Trọng Hoàng - nguyên Giám đốc Sở Du lịch- Thương mại Lâm Đồng (nay là Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch):

NÊN TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN CAO CẤP

Ông Nguyễn Trọng Hoàng
Du lịch Lâm Đồng mà thương hiệu là du lịch Đà Lạt có tính đặc thù rất riêng nên cần có hướng phát triển phù hợp. Chúng ta trân trọng những gì du lịch Đà Lạt đang có, đồng thời cần tập trung đầu tư cho du lịch cao cấp, triển khai những dự án lớn để giành ưu thế trong tương lai. Đặc điểm của du lịch cao cấp là có thể đón ít khách nhưng khách cao cấp chiếm đa số và chi phí bình quân của khách cao hơn. Theo ước tính, chi phí của khách du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng) cao gấp 10 lần khách bình dân. Du lịch cao cấp đảm bảo sẽ giữ gìn môi trường thiên nhiên và cả môi trường xã hội, đưa thương hiệu du lịch Đà Lạt lên tầm cao có danh giá. Thu hút du lịch chỉ cần một vài dự án lớn và cao cấp thì hiệu quả hơn hàng trăm dự án nhỏ. Từ đó, nên chăng tất cả các hoạt động xây dựng ngành du lịch cùng nhằm hướng về du lịch cao cấp. Những dự án nhỏ nên ưu tiên cho dân tại chỗ thực hiện để phát huy sự tinh tế, đáng yêu của văn hóa bản địa.

* Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đầu tư bất động sản Việt Tín - người đạt giải sáng tạo kiến trúc quảng trường Đà Lạt:
NÊN LẬP RA BAN TƯ VẤN PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Ông Trần Văn Dũng
Là một kiến trúc sư, đồng thời là người hoạt động trên lĩnh vực tư vấn và đầu tư, tôi nghĩ rằng nên lập ra một Ban tư vấn gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực đầu tư - quy hoạch kiến trúc, du lịch. Ban này không lệ thuộc vào quản lý Nhà nước. Các thành viên trong Ban tư vấn là những người tâm huyết, am hiểu và có thể là những người đã nghỉ hưu, là những doanh nghiệp đã làm ăn thành công. Công việc của các thành viên là tham mưu độc lập, khách quan cho các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp du lịch thông qua đồ án quy hoạch và dự án đầu tư liên quan đến du lịch. Ban tư vấn sẽ hỗ trợ tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp nhằm nhằm nhiều cơ hội thành công hơn. Hiện có khá nhiều dự án du lịch cùng hướng đầu tư sản phẩm trong khoảng cách không xa làm giảm sự lựa chọn của du khách, khiến sự cạnh tranh trở nên gay gắt. Mặt khác, các nhà đầu tư ở trong tâm thế chờ đợi xem dự án trước sẽ triển khai thế nào…Ban tư vấn xuất hiện sẽ giải quyết những tình huống như thế, thúc đẩy các dự án đầu tư triển khai nhanh chóng.

* Chị Grosbois Nathalie - du khách Pháp:
ĐÀ LẠT HẤP DẪN KHI TỔ CHỨC ĐƯỢC NHỮNG TOUR CHUYÊN ĐỀ”

Chị Grosbois Nathalie
Nhiều người cho rằng, Đà Lạt giống Pháp, vậy những du khách đến từ nước Pháp như chúng tôi sẽ thấy hấp dẫn ở điều gì? Tôi cho rằng dù thời tiết cũng lạnh, kiến trúc cũng có những nét tương đồng như tại đất nước tôi nhưng yếu tố bản địa là nét khác biệt tạo nên sự hấp dẫn của thành phố này. Yếu tố bản địa mà tôi quan tâm nhất là cách sinh hoạt của cư dân, các món ăn địa phương, lối sống địa phương, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tôi đã lang thang qua các nẻo đường chỉ để ngắm nhìn cách người dân ở đây sống, nhẹ nhàng và yên ả hơn cuộc sống tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất thích nếu như được biết đến những tour về làm mứt đặc sản, được tìm hiểu về quy trình trồng loại hoa mà mình yêu thích, về sự hình thành của các ngôi nhà cổ trong thành phố, về cách đan áo len mà phụ nữ Đà Lạt hầu như ai cũng biết…Các tour ấy nên được tổ chức bài bản, sinh động, từ những điểm đến, cách thuyết trình và hướng dẫn du khách cùng thực hiện để  lưu giữ được chính sản phẩm của mình làm ra tại vùng đất mình đã đi qua…
Hải Yến

Đọc thêm