Cho những lời hồi đáp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cơn mưa buông lơi giữa thành phố Huế, bọc những mái nhà trong màu xám u ám. Huế mưa, buồn và dai dẳng như khúc bi ca của người thiếu nữ chờ chồng.

Tay em lướt qua bó hoa oải hương màu tím đã khô mùi sự sống. Đây là những ngày tháng em vội vã rời bỏ Hà Nội, để chạy xuống vùng kinh kỳ tưởng như đã ngủ yên trăm năm này.

Hôm nay, mưa buồn, không lạnh, mấy hàng cau rung rinh trong vườn. Đường Nguyễn Sinh Cung im ắng, tựa như tách mình ra khỏi thành phố Huế hiện đại và sôi động ở bên kia cây cầu Đập Đá. Gió lách qua khung cửa, vài trang sách trong tuyển tập truyện ngắn Hemingway đã ố vang lên mấy tiếng “lật phật”. Em lướt tay trên chiếc đài cũ nơi góc phòng. Nghe gì đây? Bản tam tấu Archduke của Beethoven hay những giai điệu buồn thương của Chopin?

Chẳng có tiếng hồi đáp, bức tường màu xanh ngọc câm lặng trống rỗng. Hơi ẩm mang mùi đất thổi vào trong không gian. Em bỗng mơ màng nhớ về đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Nơi ánh nắng luôn rọi xuống con phố, nhuộm đỏ nước da và mái tóc con người nơi đây. Nơi mà vào dịp năm mới, những đoàn cồng chiêng nô nức diễu hành.

Em bỗng hiểu, hôm nay, mình sẽ chọn bản thu chất lượng kém của một ban nhạc chơi đàn Klông Pút. Những giai điệu của người Khmer là cái ta cần nghe. Một thứ âm thanh của gió, của nước, của tre nứa đã tồn tại cả ngàn năm trong núi rừng xa xưa ngoài kia. Nó tuyệt diệu không kém gì những bản giao hưởng được cả thế giới ca tụng. Nó thân quen, như chính cái gen người Việt mà tổ tiên đã để lại cho em.

Em bỗng thấy nhớ mảnh đất Hà Nội - nơi em đã từng bỏ trốn, thành phố mà em bức bối những cơn mưa phùn miên man, các mảnh tường xám và tiếng xe cộ chói tai. Giờ đây, em lại nhớ nó đến phát sợ, không phải món phở, hay đường phố cổ kính trang nghiêm. Em chỉ nhớ một nơi mang tên nhà, vốn đã quen thuộc với em. Tại đó, em có thể dùng thanh âm trong cổ họng của mình để bộc lộ hàng ngàn cung bậc cảm xúc khác nhau.

Em bỗng nhớ đến câu của nhà nhân học Gary Ferraro: “Văn hóa là tất cả những gì con người có, con người nghĩ và con người làm”. Em đã trích dẫn câu ấy cả chục lần vào những bài kiểm tra, trong những tập nghiên cứu, nhưng em thực sự chưa bao giờ hiểu nó. Chưa bao giờ thấm thía cho giây phút này, khi em ở một nơi xa lạ, trong căn nhà cũ kỹ. Cái cô độc đủ cho em thời gian suy nghĩ và nhớ lại tất cả những gì thuộc về thanh âm.

Nó ở đây, khi em khiêu vũ một mình trên sàn nhà cũ kĩ. Một điệu slow waltz, gợi em nhớ đến cách mình được dạy phải để tay ở lưng, nhớ đến bước chân của người con trai đã dẫn dắt. Hôm nay, không còn âm thanh của bản River flows in you nữa, chỉ còn giai điệu của tiếng Klông Pút hòa tấu với sáo trúc, đàn bầu và những âm thanh mà em chẳng phân biệt được. Nhưng em vẫn nhảy, điệu nghệ và ngẫu hứng hơn bao giờ hết với bước chân trần như lướt trên lông vũ.

Em nhớ đến bảo tàng lịch sử Việt Nam - một kiến trúc Pháp tồn tại giữa thủ đô Hà Nội bao đời nay. Em từng nghĩ nó sẽ cô đơn, lạc lõng trong thế giới này. Nhưng không, nó hòa vào không gian văn hóa ấy, trở thành máu thịt nơi đây. Những bức tường gạch vàng dày cộp đã loang lổ mảnh rêu xanh, rêu vàng ủ mình sau hàng cây và khói bụi đô thị. Lặng yên, như những người già mắt kèm nhèm đang nhìn lịch sử dần phủ bụi, rồi lại tái sinh theo thời gian.

Mưa dập dềnh bao phủ thành phố, chốc nữa thôi, những ngôi nhà ở đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ sẽ chập choạng lên đèn. Tối nay, bên kia cầu Đập Đá, phố đi bộ rực rỡ ánh sáng sẽ chẳng còn ồn ào như hôm trước. Không còn mùi cà phê thơm phức hay tiếng cốc bia nhộn nhịp va nhau.

Màu xanh của mấy chiếc lá cau le lói trước khi bóng tối kịp chạy đến. Em nhìn lên chiếc áo dài tím mà mình đã ngẫu hứng mua khi đến Huế, em biết mình sẽ chẳng bao giờ mặc nó. Bởi đó là biểu tượng của một thành phố đã quá già so với lứa tuổi của em.

Nhưng nó làm em nhớ tới sắc tím trên giỏ của những chiếc xe ta đã từng đạp lên dốc núi đến vườn hồng. Đó là vườn của người Sán Dìu, nơi những quả hồng còn xanh chát, đám ong mật vo ve hút nốt vài giọt óng ả trên bông hoa nở muộn.

Chiều nhuộm ánh đỏ ở dốc núi, một đám cưới vừa tàn, tiếng khóc của cô dâu vang xa về nhà chồng. Một ngôi nhà nhỏ, có đứa bé gái đang được mẹ gọi về ăn cơm. Em đã hỏi: “Cô bé đó cũng sẽ khóc khi đi lấy chồng sao?”. Người mẹ Sán Dìu mỉm cười đáp: “Tất cả mọi người đều khóc, đây là tục lệ”. Rồi họ hỏi em: “Cô đã ăn cơm chưa”. Giống như mảnh nam châm hút những ký ức ấy, đưa em về gia đình, về bữa cơm nhà, khi ta hỏi thăm nhau bằng bốn từ: “Đã ăn cơm chưa?”.

Nó như dòng sữa non của cây lúa tươi đang độ trĩu hạt, đưa ta đến đồng ruộng nghìn năm của mảnh đất An Nam, Đại Việt xa xưa. Nơi em nghe thấy câu ca dao quen thuộc “Con cò bay lả, bay la. Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng” và nhìn lên bầu trời, không có cò, mà là tiếng đập cánh của những con chim trên chiếc trống đồng Đông Sơn. Là câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh mà ta được nghe kể từ bất cứ một người lớn nào đang cố ru mình.

Tất cả điều đó lấp ló, ngủ im trong tâm trí, tựa như chẳng bao giờ lộ diện. Nhưng chỉ một khắc im lặng trong không gian Vỹ Dạ, em lại nhớ về những điều tưởng như vô hình. Giống như nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway trong quyển sách em đang đặt chỏng trơ ở bên bàn. Dường như sâu thẳm trong em- một mạch nguồn văn hóa cả ngàn năm luôn chảy thao thiết…

Em bỗng nhớ gương mặt anh trong lúc biến mất trên bầu trời với tiếng rít của máy bay. Nhớ nụ cười buồn, ánh mắt như hiểu anh không thể tách rời linh hồn, máu thịt em với mảnh đất này. Bởi mỗi con người đều giống như những cái cây, dù có vươn bóng, tỏa nắng, lên cao đến đâu thì vẫn phải bám rễ xuống bầu đất mẹ…