Cái lên, cái xuống
|
Trong lúc hầu hết các mặt hàng đều rục rịch tăng giá thì các loại rau, củ, quả giảm giá đáng kể tại các chợ quê. TRONG ẢNH: Gian hàng rau, củ, quả của chị Tán Thị Vân ở chợ Túy Loan. |
Cuối tháng, cầm trên tay chưa tới 2 triệu đồng tiền lương, chị Trần Thị Hiền ở thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, chóng mặt vì mấy mặt hàng thiết yếu đều tăng giá: Dầu ăn tăng thêm 4.000 đồng/lít; gas tăng thêm 40.000 đồng/bình 13kg; gạo tăng thêm 3.000 đồng/kg... “Trước, thấy chi ngon ngon còn mua về cho con, chừ nhắm mắt đi luôn. Mấy kỳ, 15 nghìn thịt heo còn kín đĩa, chừ thì không đủ cho con gắp mấy gắp”-chị than. Nếu không làm thêm một sào ruộng, trồng mấy vạt rau, nuôi dăm ba con gà, thì 3 thành viên nhà chị chỉ có thắt lưng buộc bụng mới có ăn qua ngày.
“Phản ứng nhanh” trước tình hình tăng giá, người dân nông thôn chuyển qua mua thứ khác để ít thấy “xót” tiền hơn. Kinh nghiệm của anh Đặng Quang Vinh, Trưởng ban Quản lý chợ Lệ Trạch, xã Hòa Tiến, là cũng chừng đó tiền, trước mua thịt cá thì chừ mua tôm tép, nhất là những loại tôm tép bắt từ sông, bàu lên, giá tăng không đáng kể. Quan sát, anh thấy nhiều người xách giỏ đi quanh chợ, không biết mua cá hay thịt, bởi thứ nào cũng “hét” giá lên. Thịt heo tăng giá mấy tháng trước, khi xảy ra lũ lụt, dịch tai xanh, chừ hết lũ hết dịch, mà giá xem chừng không chịu dừng lại. Nghĩ cũng lạ, anh bảo, nhiều thứ “tát nước theo mưa”, như cá biển còn tốn xăng dầu ra khơi, chứ cá đồng thì cứ xuống đồng là vớt lên mà giá cũng tăng từ 30 lên 40 nghìn đồng/kg!
Dạo một vòng quanh các chợ quê, bỗng phát hiện một điều khá bất ngờ là không phải hàng nào cũng tăng giá, mà có cái lên, cái xuống. Ở chợ Túy Loan, như gian hàng bán rau củ quả của chị Tán Thị Vân, giá rau thơm các loại đã rớt từ 70 xuống còn 15-20 nghìn đồng/kg, xà lách từ 35 xuống còn 10 nghìn đồng/kg, cải kẹp từ 5 xuống còn 2 nghìn đồng/kẹp. Chị giải thích: Mấy kỳ phải lấy rau chợ các nơi về, chừ rau nhà ra nhiều, năm nay không lụt nên các loại rau quả có sớm, kéo giá xuống. Dân gian nói “đói ăn rau, đau uống thuốc”, thời buổi cơm cao gạo kém, việc rau quả rớt giá đã cứu “một bàn thua trông thấy” đối với người dân nông thôn.
Sống chung với… giá
Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 5 chợ, trong đó có hai chợ loại 2 là Bắc Mỹ An và Non Nước. Nếu chợ Bắc Mỹ An hàng nhiều, sức mua mạnh, hoạt động cả ngày thì chợ Non Nước hãy còn nét chợ quê, đông chủ yếu vào sáng sớm và sau 4 giờ chiều.
Sáng sớm, chợ Non Nước đầy các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, khoai sắn, bầu bí, gà vịt… Ông Lê Văn Kết, Đội trưởng Đội quản lý chợ Non Nước cho biết, giá cả một số mặt hàng ở chợ có tăng nhưng vẫn còn trong sự chấp nhận của người dân. Riêng mặt hàng gạo, theo bà Huỳnh Thị Ngại, một trong 5 người bán gạo ở chợ, thì 4 tháng trước giá chỉ 7 nghìn đồng/kg, hôm lụt vọt lên 11 nghìn chừ xuống còn 10 nghìn đồng/kg. Mấy nhà làm nông đều có lúa ăn, nhưng ai cũng trông “hắn” xuống còn 9 nghìn đồng/kg cho đỡ lo - bà Ngại ao ước.
Cả quận có gần 200 hộ làm nghề đánh bắt thủy hải sản, trong đó một nửa hành nghề trên sông, một nửa làm lưới ven bờ biển ngang. Làm lưới biển, 3 giờ sáng đã đẩy thúng xuống nước, 6 giờ quay về; chiều 2 giờ đi, 5 giờ về. Đánh được ít nhiều chi cũng lo về cho kịp buổi chợ, chủ yếu là chợ Non Nước. Cá mua về có khi còn quẫy tanh tách, mà giá lại không cao. Đây là một trong những đóng góp của chợ quê đối với việc giữ chất lượng bữa ăn cho người dân thời tăng giá.
Tăng cường sản phẩm sông nước cũng là cách làm của người dân xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Trong xã có xóm ghe khoảng 50 hộ ở thôn Giáng Nam 1, chuyên nghề đánh lưới, đánh tôm bằng ống trên sông. Một số người còn đưa ghe lên xe bò chở tới các bàu, đánh lưới bắt cá rô phi. Bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch xã cho biết, nhờ đó, cả chợ Mới Ba Xã lẫn chợ Miếu Bông đều không thiếu tôm, cá đồng, đã tươi mà giá cũng phải chăng. Theo nhận xét của bà Bích Vân, chợ quê như chợ Mới Ba Xã giáp ranh với các xã của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nên có sự cạnh tranh chung về giá, không phải hàng nào “ưng” lên thì lên.
Khó có thể cưỡng lại “bão giá”, vấn đề là biết cách sống chung với nó. Các Đài Truyền thanh Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn tuyên truyền, đề ra những kinh nghiệm trong ứng xử với thời tăng giá. Ông Huỳnh Cự, Trưởng phòng Công thương quận Ngũ Hành Sơn đề nghị thành phố tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá, hất là những mặt hàng thiết yếu, tại các chợ vùng ven. Ông Nguyễn Hữu Chất, Phó Trưởng phòng Công thương kiêm Trưởng ban Quản lý các chợ huyện Hòa Vang thì phát văn bản yêu cầu tiểu thương phải niêm yết giá, kể cả giữ xe ở khu vực chợ. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đi kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả hàng hóa, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tung tin thất thiệt gây hoang mang thị trường...
Khi được hỏi, việc tăng giá đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nông thôn ra sao, ông Phan Văn Tôn, Trưởng phòng Công thương huyện Hòa Vang lạc quan: Ảnh hưởng không đáng kể. Theo ông Tôn, chợ quê khác chợ phố, không thể lên giá ào ào được, giá cao quá, không ai mua thì chợ vắng như... chùa Bà Đanh. Nếu giá cao quá, dân tạm thời “quên” hàng xa xí phẩm, chỉ mua toàn những hàng thiết yếu. Tâm lý chung của người dân nông thôn là cái gì cần mới mua, giá cả có lên thì cũng ít ai quan tâm, bởi người dân nông thôn đã quen thắt lưng buộc bụng, bí quá ra vườn hái nhúm rau cũng qua bữa.
Văn Thành Lê