Choáng vì hóa đơn tiền điện tăng vọt

(PLO) - Vừa vào dịp nắng nóng đầu hè, lại đúng cữ thay đổi cách tính tiền điện, nhiều hộ gia đình đã sốc khi nhìn hóa đơn tiền điện cao gấp 3 lần những tháng trước. Trước thực tế này, lý  giải của “nhà đèn” về việc tiền điện tăng vẫn rất khó làm người tiêu dùng “bằng mặt, bằng lòng”.
Hoá đơn tiền điện nhiều hộ gia đình trong tháng 6/2015 tăng đột biến, gấp đôi, ba lần so với tháng trước.
Hoá đơn tiền điện nhiều hộ gia đình trong tháng 6/2015 tăng đột biến, gấp đôi, ba lần so với tháng trước.
Hoá đơn tiền điện gây “sốc”   
Dù dự tính tiền điện tháng 6 có thể tăng cao nhưng khi cầm trên tay hoá đơn điện tháng 6/2015, anh Nguyễn Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng. “Hoá đơn điện tháng 6/2015 nhà mình tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước, cả về sản lượng điện dùng và số tiền điện phải trả” – anh Tuấn nói. Điều anh cảm thấy khó hiểu là nhà anh ban ngày thì đều đi làm hết nên hầu như chỉ sử dụng  điện vào buổi tối. “Tháng 5 và tháng 6 gia đình mình cũng sử dụng điện và các thiết bị điện như nhau, nhưng tháng 6 thì sản lượng điện dùng tăng gần gấp đôi. Không thể chỉ vì dùng một cái điều hoà  lâu hơn một chút mà chỉ số điện tháng này tăng gấp đôi chỉ số điện tháng trước được. Gia đình cũng ý thức được nên đã hạn chế sử dụng các thiết bị khác” - anh Tuấn bức xúc. 
Cũng như anh Tuấn, chị Nguyễn Nga (Ba Đình, Hà Nội) ngỡ ngàng khi chỉ số điện tăng vọt và số tiền điện phải trả tăng gấp đôi. “Có vẻ cách tính giá điện bậc thang theo luỹ tiến hiện nay đang gây bất lợi cho người tiêu dùng” - chị Nga bày tỏ. Cả chị Nga và anh Tuấn đều băn khoăn rằng công tơ điện treo tít trên cao, lại cách xa nhà nên khách hàng không có cách nào kiểm soát được việc ghi chỉ số công tơ điện có chính xác hay không. “Ngay cả khi điện lực có nhắn tin báo ngày ghi công tơ thì nhiều hộ cũng khó giám sát, vì việc ghi số diễn ra trong giờ hành chính khi đa phần các hộ dân cũng phải đi làm, đi học” – chị Nga nói. 
“Nhà đèn”: Tiền điện tăng là do ... thời tiết
Trước thắc mắc của nhiều khách hàng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi) giải thích rằng, ở Hà Nội, tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vừa qua nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài khiến công suất cực đại trong tháng 5 điển hình đạt 2.987MW (lúc 14 giờ ngày 29/5) so với cùng thời điểm năm 2014 là 2.180 MW, tăng 30,01%. Sản lượng cực đại cũng đạt 61,48 triệu kWh, so với năm 2014 tăng 17,04%. Sản lượng tiêu thụ bình quân 10 ngày đầu tháng 5 và 10 ngày đầu tháng 6 vừa qua so với 10 ngày đầu tháng 4 lần lượt tăng 18,36% và 33,83%.
Trong khi đó, do kỳ ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng mua điện sinh hoạt của EVN Hanoi kéo dài từ ngày 5 đến ngày 25 hàng tháng, trùng vào những ngày cao điểm nắng nóng của tháng 5 và tháng 6 này là thời điểm nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao, từ 36 đến trên 40 độ C.
Cùng với đó, thời điểm này đang tiến hành việc áp giá điện mới cho sử dụng điện sinh hoạt tăng cao lũy tiến theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về giá bán điện và áp dụng từ ngày 16/3 vừa qua.
Như vậy, hóa đơn tiền điện tháng 6 này hội tụ các yếu tố đột biến tăng, dẫn đến khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ và số tiền thanh toán sẽ tăng so với tháng trước liền kề. Thậm chí, nhiều trường hợp sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 đến 3 lần. Giá điện sinh hoạt mới được xây dựng theo mức bậc thang (6 bậc) nên nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều, tác động tăng tiền điện càng lớn.
Ví dụ, một hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt hết 300kWh/tháng, sẽ phải thanh toán số tiền là 609.015 đồng/tháng, nhưng nếu tiêu thụ hết 600kWh/tháng sẽ phải thanh toán với số tiền 1.453.485 đồng/tháng. Như vậy, sản lượng điện chỉ tăng gấp đôi nhưng sẽ phải thanh toán tiền tăng 2,38 lần do phải áp giá 200kWh (bậc thang thứ sáu) với giá 2.587 đồng/kWh.
Lý do thời tiết nắng nóng là một câu trả lời quen thuộc của “nhà đèn”, vì năm nào đến cữ này, tiền điện của các hộ tiêu dùng đều tăng đột biến.
Tiết kiệm điện, cách nào?
Trước phân vân về việc sử dụng cùng một điều hòa mà mức tiêu hao điện khác nhau, các chuyên gia ngành điện cho biết, trời càng nóng, máy điều hòa càng tiêu hao điện, bởi trời càng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm, trong khi trời càng nóng thì tổn thất nhiệt từ ngoài môi trường vào trong phòng càng tăng, máy phải làm việc đầy tải và hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiêu tốn điện năng cho điều hòa. Ví dụ, phòng ở không cách nhiệt tốt, không kín hoặc sử dụng máy điều hòa lâu năm, công nghệ cũ thì càng tốn nhiều điện hơn.
Mặt khác, lắp đặt máy điều hòa không đúng cách cũng làm tiêu tốn nhiều điện năng, thậm chí làm cháy, hỏng máy. Ví dụ, giàn nóng ở bên ngoài lắp ở vị trí mà ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc có vật cản che phía trước, giàn lạnh trong phòng nếu lắp không đúng vị trí khiến không khí điều hòa không được phân phối đồng đều trong phòng cũng là nguyên nhân gây tiêu tốn điện...
Ngoài ra, điều hòa tiêu tốn nhiều điện còn do thói quen của người sử dụng. Nhiều người bật máy lên là cài đặt nhiệt độ xuống thấp nhất có thể. Việc làm đó không làm cho nhà mát nhanh hơn mà còn lãng phí điện năng không cần thiết, hoặc nhiều người có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, như thế điều hòa vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ, tức là cỡ 2 bóng đèn nhỏ. 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các hộ gia đình nên hạn chế những thiết bị sử dụng điện khác như rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị; lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; đồng thời hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (sáng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, tối từ 17 giờ đến 20 giờ), hoặc sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng... 

Đọc thêm