Cổ tích giữa đời thường của “cặp đôi toàn hỏng“

(PLO) - Không cam phận bị ép duyên, học xong trường nghề, ông tham gia kháng chiến. Bị thương, trở thành phế nhân, ông nghĩ cuộc đời mình đã chấn dút thì chính lúc này ông nhận ra người vợ hơn tuổi năm nào vẫn luôn yêu thương và chờ đợi ông...
Ông Tôn bà Bẩy hiện tại
Ông Tôn bà Bẩy hiện tại
44 năm “bồng bồng cõng chồng đi chơi”
Mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại hiếm người nên học xong cấp 2 ông Mạc Văn Tôn (xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương) bị mẹ bắt lấy vợ.  Đó là bà Nguyễn Thị Bẩy, cô gái cùng làng nhưng hơn ông nhiều tuổi. Vì không có tình cảm với vợ lại muốn cống hiến cho đất nước, học xong trường Trung cấp Cơ khí chế tạo Hà Nội ông vào bộ đội. 
Ngày 11/5/1963, trong một trận đánh, Tiểu đoàn 73 của ông đã phóng hai quả tên lửa bắn cháy máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trời Hạ Long. Nhưng cũng trong trận chiến ấy, ông bị thương nặng. Vỗ vỗ vết thương ông Tôn bảo: “Cái ngày biết mình vẫn còn sống nhưng sống mà không bằng chết, tôi thấy chán chường, mặc cảm vô cùng. Tôi chẳng muốn báo tin về cho gia đình nữa. Tôi sợ những người thân của mình phải đau khổ, tôi sợ trở thành gánh nặng cho họ”.
Biết tin ông bị thương, người vợ được “sắp đặt” đã không vứt bỏ ông. Đối với ông, bà không chỉ là vợ, là hậu phương vững chắc nhất mà bà còn như một người thân, một người chị theo lẽ “vợ hơn tuổi chồng”. Trong những tháng ngày nằm điều trị tại Bệnh viện 108 bà Bẩy cùng người thân đã hết lòng hết sức chăm sóc, giúp ông vượt qua cái chết. 
Ông kể: “Thấy vợ phải vất vả lặn lội lên thăm liên tục, tôi bảo: “Anh ở trên này đã có các cô y tá lo, em về quê chăm mẹ đi chứ, còn ruộng vườn ai lo?”. Bà ấy vừa khóc vừa nói: “Nếu thế, em đưa anh về nhà rồi em chăm anh. Tôi bảo “chân tay anh giờ thế này, về chỉ thêm gánh nặng cho gia đình thôi”. Bà ấy lại nói: “Thế thì em cõng anh”. “Nhưng chỉ cõng được chốc lát thôi, còn bao nhiêu công việc, em cõng sao được mãi”. Các cô biết bà ấy nói gì không? Bà ấy lại bảo: “Thì em vẫn cõng anh, em cõng anh cả đời này!”.
Năm 1970, bà xin đón ông về, rồi vợ cõng chồng, nuôi chồng thật. Bà bế ông đi ngủ, cõng ông đi ăn, cõng ông đi chơi… Biết chồng thích xem phim, mê nghe hát, bà thường xuyên cõng ông đi xem. Bà cõng ông đến thật sớm, tìm một chỗ rộng, thoáng để không ai chen lấn. Bà trải tấm chăn mỏng để ông nằm ngửa ra xem giữa đám trẻ con. 
Xem xong, bà lại phủ tấm chăn lên tấm thân mềm oặt, rệu rã, lủng lẳng hai cái chân đung đưa bên hông. Vợ lại cõng chồng lầm lũi giữa màn đêm về nhà. Thấy cảnh ấy, người ta lại trêu: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi” nhưng bà không ngại, cũng chẳng tủi thân. Ai cũng khen bà mát, không chỉ khéo chăm bẵm vật nuôi, cây trồng mà còn chăm chồng khỏe mạnh, phụng dưỡng mẹ chồng. Có cái hoa, cái quả trong vườn nhà hay quả trứng, con gà bà dành hết cho mẹ chồng và chồng, còn mình thì ăn gì cũng được.
Ông Tôn bà Bẩy thời trẻ
Ông Tôn bà Bẩy thời trẻ 
Cuộc đời có vay có trả của “cặp đôi toàn hỏng”
Tình yêu đã làm lên điều kỳ diệu. Năm 1971, bà Bẩy mang thai và sinh con trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Năm 1976, ông làm thủ tục về hẳn quê để cùng vợ chăm lo gia đình, con cái.
Tuy chân hỏng nhưng bộ óc ông vẫn còn khỏe khoắn. Người thương binh tàn nhưng không chịu phế đã đấu thầu ao nuôi cá, dạy con chăn vịt đẻ, vịt đàn… “Trong một lần đi chăn vịt, tôi và con trai làm đổ xe ba gác khiến cả hai bố con ngã xuống ruộng. Một mình bà phải vừa cõng chồng, cõng con về nhà vừa phải kéo xe từ ruộng lên. Hôm đó, bà mất nửa ngày để tắm rửa cho chúng tôi”, ông Tôn bùi ngùi kể.
Suốt 44 năm qua, đôi vai của bà còn gánh cả cơ nghiệp gia đình, gánh cả cuộc đời ông, tận tụy nuôi mẹ chồng đến ngày cụ quy tiên. Vì thế ông luôn bảo bà là người lực sĩ trong lòng ông, bởi đôi vai của bà có sức chịu lực thần kỳ.
Vợ chồng ông có 4 con, 9 đứa cháu kháu khỉnh nhưng niềm vui của cặp vợ chồng thương binh vẫn không được trọn vẹn. 5 năm trước, trận ốm “thập tử nhất sinh” đã khiến bà bị tai biến nặng. Vậy là sau 44 năm phục vụ chồng, giờ đây bà phải nằm một chỗ bên cạnh giường ông, im lặng lắng nghe ông đọc thơ, kể chuyện. 
Ông Tôn tâm sự: “Cuộc đời có vay có trả. Bà ấy phục vụ tôi 44 năm trời, giờ tôi phải phục vụ bà ấy thêm 40 năm nữa. Như vậy mới đủ trả hết ân tình bà đã dành cho tôi”. Người ta thường nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Đúng thật, mặc dù chỉ có thể nằm một chỗ trên giường nhưng mọi chuyện to nhỏ bà đều thủ thỉ cùng ông chứ chẳng kể cho con cái. 
Cặp vợ chồng già vẫn tình cảm, quấn quýt như thời trẻ. Chiếc giường 1m6 ngăn đôi, bà một nửa ông một nửa. Nhiều lúc bà mệt, ông đọc thơ cho bà nghe. Trong bài thơ “Bà ơi mau mau khỏi!” ông sáng tác khi bà phải nằm viện có câu: “Một giường hai cụ song song/Cặp đôi “toàn hỏng” nhất phường Chí Linh”.

Ông tự nhận vợ chồng mình là cặp đôi “toàn hỏng” bởi lẽ niềm hạnh phúc của gia đình chưa bao giờ được trọn vẹn. Nếu có một điều ước, ông chỉ ước hai chân hai tay mình được khỏe mạnh để làm việc nuôi vợ con, để giúp đỡ mọi người khác./.

Đọc thêm