Tem chống hàng giả cũng... bị làm giả
Đại diện cho một doanh nghiệp đang phải chịu hậu quả vì hàng giả, hàng nhái, phát biểu tại buổi tọa đàm chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức sáng 20/6 - ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chỉ ra ba hình thức gian lận thương mại trong lĩnh vực tôn thép.
Thứ nhất, tôn kém chất lượng phổ biến nhất là việc cung cấp sản phẩm tôn không đủ độ dày bằng cách tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng cao” độ dày hoặc nhập khẩu các sản phẩm không có nhãn mác từ Trung Quốc để tùy biến in độ dày cao hơn thực tế (còn gọi là đôn dem), đồng thời in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Hình thức thứ hai là tôn giả, tôn nhái.
Với hình thức này, chỉ cần trang bị máy in phun, các cơ sở kinh doanh dễ dàng biến các sản phẩm tôn kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc các sản phẩm không rõ nguồn gốc thành sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm tôn nhái, tôn giả thường có dòng in vi tính bị nhòe, không rõ ràng sắc nét, không thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm và mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng. Hình thức thứ ba, các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng nhằm chiếm đoạt một khoản thuế GTGT đáng kể. Do đó, tôn bán ra sẽ có giá thấp hơn so với các đơn vị kinh doanh tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thừa nhận, với ngành dệt may, cách đây 5-7 năm đã xuất hiện hình thức hàng nhái của Công ty Việt Tiến và Công ty May 10, nhưng gần đây loại hình này không phát triển được do doanh nghiệp đều sử dụng biện pháp kỹ thuật chống hàng giả, có dán tem chống hàng giả. Tuy nhiên, với ngành dệt may Việt Nam, đối tượng chính gây sức ép cạnh tranh là hàng lậu giá rẻ. “Họ không đánh vào thương hiệu của mình mà dùng hàng giá rẻ do nhập lậu để cạnh tranh. Đặc biệt, ở nông thôn có tới 70% là hàng giá rẻ, nhập lậu, còn hàng dệt may Việt Nam chỉ có chỗ đứng ở những thành phố như Hà Nội, TP.HCM” - ông Trường cho biết trong cuộc tọa đàm về phòng chống hàng giả, hàng nhái vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Tuy nhiên, có một thực tế “gây khó” cho người tiêu dùng là hàng có dán tem chống hàng giả cũng chưa chắc không phải là hàng giả, do các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh đã phát hiện ra 40kg tem chống hàng giả bị làm giả.
Người tiêu dùng phải ý thức việc tự bảo vệ mình
Theo thống kê của cơ quan quản lý thị trường, hiện nay trên thị trường có 31 sản phẩm, ngành hàng đang bị sản xuất giả, nhái thương hiệu. Các mặt hàng làm giả cũng đa dạng, từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến các hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, dược phẩm... Sản phẩm nào nếu làm giả có lợi nhuận cao thì lập tức sẽ có hàng giả ngay trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh, thủ đoạn tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Còn cơ quan Hải quan cũng cho hay, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ vi phạm về chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố. Hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như mỹ phẩm, bia rượu, bánh kẹo, thuốc, điện thoại, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em, điện tử, điện lạnh...
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, ở Việt Nam, mức độ tràn lan hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất lớn. 40kg tem hàng giả được phát hiện gần đây cùng với rất nhiều con số báo động khác cho thấy đang có rất nhiều nguy cơ xảy đến với đất nước, với người tiêu dùng. Thủ đoạn làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi; cơ quan chức năng có những lúc chưa vào cuộc một cách nghiêm túc, một bộ phận còn lơ là, tiếp tay cho những sai phạm; ý thức người dân chưa cao… là những nguyên nhân khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng nhức nhối hơn.
“Các lực lượng chức năng cần phối hợp, tập trung “đánh” vào các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả, hàng nhái một cách quy mô, quyết liệt” – Phó Thủ tướng yêu cầu. Được biết, tới đây sẽ có đợt cao điểm kiểm tra hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp…
“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm các quy định về đo lường chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu để tăng tính cạnh tranh – Phó Thủ tướng chỉ đạo - Đối với người tiêu dùng, đã đến lúc phải biết tự bảo vệ mình bằng cách khi mua hàng phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng, được hướng dẫn sử dụng chi tiết. Các doanh nghiệp khi bán hàng cũng phải yêu cầu người tiêu dùng chủ động thực hiện quyền lợi của chính người tiêu dùng”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com